Mực nước trên sông Dương Tử giảm khoảng 2cm mỗi 5 năm kể từ năm 1980.
Mặc dù mức giảm 2cm này là ít, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng về tổng thể, sự việc có thể gây ra những tác động lớn về môi trường và kinh tế.
Theo báo South China Morning Post, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Advances in Water Science số tháng 2-2021, tác giả Nie Ning và các đồng nghiệp ở Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng mực nước Sông Dương Tử thấp dần là chủ yếu là do biến đổi khí hậu và tác động của con người như làm thay đổi cảnh quan, xây đập thủy điện…
Có khoảng 460 triệu người sinh sống dọc theo sông Dương Tử, trong đó trụ cột kinh tế là thành phố Thượng Hải. Do hoạt động công nghiệp tăng, đã có hơn 1.000 hồ nước ven sông bị lấp. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tổng lượng nước trên sông không thay đổi nhưng nghiên cứu mới cho thấy điều ngược lại.
Để đưa ra ước tính gần đúng, nhóm của Nie kết hợp số liệu của các trạm quan trắc trên mặt đất với ảnh vệ tinh có thể phát hiện sự thay đổi của trọng lực do nước gây ra.
Họ kết luận biến đổi khí hậu mà hệ quả là các hiện tượng khí hậu bất thường như nắng nóng làm giảm lượng mưa đổ vào sông Dương Tử.
Nhiệt độ ấm hơn cũng làm mực nước cao/thấp của dòng sông giãn rộng, gây lũ lụt và hạn hán nhiều hơn. Lượng bốc hơi nước cũng tăng, một phần do nhiệt độ cao, một phần do tác động của con người tại các các thành phố lớn.
Vai trò của các đập thủy điện, theo các nhà nghiên cứu là có tác động tiêu cực tương đối nhỏ với lượng nước. Hoạt động của 15 đập thủy điện lớn, trong đó có đập Tam Hiệp, khiến mực nước sông giảm vào mùa đông và mùa xuân và tăng lên trong những tháng ấm nóng còn lại.
Xie Zhicai, nhà nghiên cứu của Viện Thủy sinh tại Học viện Khoa học Vũ Hán (không thuộc nhóm nghiên cứu) cho biết mực nước sông giảm có thể gây ra các tác động ngoài dự đoán đến môi trường. Chẳng hạn, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước sông có thể tăng lên và gây hại đến các loài thủy sinh dễ bị tổn thương.
Ít nước hơn cũng có nghĩa là các đập thủy điện có vai trò lớn hơn trong việc điều tiết nước, phá vỡ các chu trình tự nhiên. Một số loài cá, trong đó có cá tầm - rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ và mực nước, sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, hoạt động sinh sản của chúng có thể bị đảo lộn.
Báo cáo khẳng định, hiện tại, sông Dương Tử không thiếu nước, mực giảm vẫn thấp, nhưng tác động tiêu cực có thể xảy ra về lâu dài.
Một nhà khoa học ẩn danh chia sẻ với báo South China Morning Post rằng giảm mực nước trên sông Dương Tử có thể có hại nhiều hơn so với những gì báo cáo chỉ ra.
Hiện tại mỗi ngày, một lượng nước lớn không được tiết lộ đều đặn được lấy khỏi sông Dương Tử để đưa lên phía bắc, đến các thành phố khô hạn, trong đó có Bắc Kinh.
Theo chính quyền địa phương, hơn một nửa lượng nước tiêu thụ ở Bắc Kinh đến từ sông Dương Tử.
Theo nhà nghiên cứu ẩn danh này, có vẻ như chính quyền Trung Quốc cũng đã biết về tác động của việc giảm mực nước trên sông nên đã siết các dự án xây dựng mới dọc theo sông Dương Tử. Từ tháng 1-2021, tất cả các hoạt động đánh bắt cá trên sông cũng bị cấm trong 10 năm để bảo vệ dòng sông khỏi đánh bắt cá quá mức và ô nhiễm.
TTO - Mực nước sông Dương Tử cùng các nhánh của con sông này đã dâng đến mức nguy hiểm sau nhiều ngày mưa lớn, buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và chính quyền các địa phương kích hoạt cảnh báo phản ứng khẩn cấp với lũ.
Xem thêm: mth.85622252182201202-ar-yax-ig-neyuhc-man-04-gnort-nad-maig-ut-gnoud-gnos-coun-cum/nv.ertiout