Trước những diễn biến tại Ukraine, nhiều nước đã áp các lệnh trừng phạt, đặc biệt là về kinh tế nhằm vào Nga, trong đó có việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cùng nhiều đòn trừng phạt khác, tác động sâu sắc tới thị trường toàn cầu.
Tập đoàn năng lượng BP của Anh hôm qua (27/2) cho biết sẽ rút khỏi công ty dầu khí Rosneft - nơi BP này đang nắm giữ 19,75% cổ phần. Giám đốc điều hành của BP Bernard Looney cũng cho biết sẽ từ chức tại Ban giám đốc của Rosneft và quyết định này có "hiệu lực tức thì".
BP - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, cho biết với quyết định trên, tập đoàn này sẽ bị thiệt hại 25 tỷ USD và lượng dầu khí dự trữ cũng giảm đi một nửa.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích nhận định, việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT có thể khiến giá dầu tăng vượt mốc 100 USD/thùng trở lại, khi những rủi ro trong giao dịch dầu mỏ với Nga gia tăng.
Trong giao dịch mới nhất hôm nay (28/2), giá dầu Brent đã tăng 5,46 USD, lên 103,39 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 105,07 USD/thùng vào đầu phiên.
Ít nhất 10 nhà giao dịch hàng hóa và dầu mỏ cũng cho rằng dòng chảy hàng hóa của Nga tới phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc bị dừng trong nhiều ngày cho đến khi có những miễn trừ được đưa ra. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu năng lượng và hàng hóa của Nga sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể vẫn sẽ được duy trì khi cả 2 nước đều đã phát triển hệ thống thanh toán thay thế SWIFT.
Trên thị trường tiền tệ, hôm nay, đồng ruble của Nga đã mất gần 30% giá trị so với đồng USD sau khi các nước áp đặt trừng phạt mới và cứng rắn hơn với Moskva liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine. Theo hãng tin Bloomberg, đồng ruble đã giảm 27% giá trị, xuống còn 114,33 ruble đổi 1 USD trong giao dịch ở nước ngoài.
Ngân hàng Trung ương Nga ứng phó với các lệnh trừng phạt
Trong diễn biến mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nga hôm nay đã tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Theo cơ quan này, các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ và việc tăng lãi suất cơ bản sẽ đảm bảo tăng lãi suất huy động lên mức cần thiết nhằm bù đắp cho rủi ro trượt giá và lạm phát gia tăng.
Ngân hàng trung ương Nga khẳng định có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây. Cơ quan này lưu ý rằng thẻ ngân hàng tiếp tục hoạt động như bình thường.
Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Cơ quan này cũng yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài.
VTV.vn - Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã đồng ý chặn "có chọn lọc" một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.75973628182202202-agn-oav-mahn-et-hnik-tahp-gnurt-taol-auc-gnod-cat/et-hnik/nv.vtv