vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia bàn về thế đàm phán Nga-Ukraine: Ai phải nhường ai?

2022-03-01 06:07

Tình hình chiến sự Nga-Ukraine đang rất nóng và khó lường dù hai bên đồng ý đàm phán. Trong bối cảnh này, Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có bài phỏng vấn TS Nikolaus Scholik (Áo) - chuyên gia về khoa học chính trị, chính trị quốc tế, chính trị an ninh, Cố vấn cao cấp tại Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo.

Ukraine khả năng phải nhân nhượng Nga

Nội dung trao đổi giữa phóng viên và TS Scholik là về triển vọng từ việc đàm phán giữa Nga và Ukraine, khả năng các bên thống nhất các điều kiện của nhau, và phản ứng từ phương Tây.


TS Nikolaus Scholik (Áo) - chuyên gia về khoa học chính trị, chính trị quốc tế, chính trị an ninh, Cố vấn cao cấp tại Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo. Ảnh: AIES.AT

. Phóng viên: Phía Ukraine cho biết nước này và Nga đang bàn địa điểm, ngày giờ để đàm phán. Theo ông, với các điều kiện hiện tại thì đàm phán có khả năng xảy ra không?

+ Tiến sĩ Nikolaus Scholik: Chiều 27-2 có tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý đàm phán “không điều kiện tiên quyết” với Nga tại biên giới Ukraine-Belarus. Khả năng các cuộc thảo luận hòa bình chỉ có thể diễn ra nếu các mối quan tâm của Nga được đáp ứng. Thậm chí ngày nay ý định tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến các mục tiêu quân sự vẫn chưa rõ ràng. Có vẻ như rõ ràng nhất là phải đạt được một giới tuyến dọc sông Dnepr, ngăn cách miền đông với miền tây Ukraine cũng như việc kiểm soát toàn bộ đường bờ biển của Ukraine trên Biển Đen.

. Nếu hai bên đàm phán thì khả năng phía Nga sẽ yêu cầu Ukraine những gì? Và ngược lại phía Ukraine sẽ yêu cầu Nga đáp ứng những gì?

+ Bởi vì người Nga có sức mạnh quân sự và đang kiểm soát nhiều khu vực quan trọng, họ sẽ chi phối các cuộc đàm phán. Theo tôi, Nga có thể đề nghị lập giới tuyến Dnepr - cắt đất nước Ukraine thành hai phần, theo những điều kiện, chẳng hạn như: Thiết lập một chính phủ được Nga phê chuẩn ở Kiev; Nga kiểm soát phần phía đông Ukraine; Giảm đáng kể lực lượng vũ trang Ukraine ở phía tây; Và một điều nữa là chính phủ mới của Ukraine tuyên bố trung lập và đã đưa ra văn bản đảm bảo không cố gắng gia nhập Liên minh châu Âu và/hoặc NATO.

Phần Ukraine, vì quân đội yếu nên nước này không thể đưa ra "các yêu cầu mạnh mẽ" và sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất tình trạng mất quyền lực, cố gắng giữ cho cả nước (kể cả với chiếm đóng ở phía Đông) ít bị kiểm soát nhất.

Chuyên gia bàn về thế đàm phán Nga-Ukraine: Ai phải nhường ai? - ảnh 2
Sông Dnepr cắt ngang miền đông và miền tây Ukraine. Ảnh: FERRYL.COM

. Ông nghĩ thế nào về kết quả đàm phán? Hai nước khả năng sẽ thống nhất những gì? Liệu Ukraine có cam kết sẽ không gia nhập NATO và sẽ không cho binh sĩ phương Tây đồn trú? Liệu Nga có đảo ngược quyết định công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk và rút quân về, cũng như rút quân khỏi biên giới với Ukraine? Hay nói cách khác xung đột hai bên sẽ kết thúc?

+ Ông Putin sẽ không đảo ngược các quyết định ở Donbass, bây giờ và cả khi rút quân trong tương lai gần. Sau Georgia, Crimea và sau nhiều năm làm suy yếu quyền lực của Kiev ở vùng Donbass, cuộc xung đột hiện tại là một phần chiến lược của ông Putin nhằm thiết lập lại vị thế chiến lược mạnh mẽ hơn cho Nga ở châu Âu.

Kiev sẽ phải rút lui, tuyên bố chính thức từ chối gia nhập EU và NATO, nếu họ muốn cứu ít nhất là phần phía tây và chờ cơ hội tái thống nhất một ngày nào đó, mà chắc chắn là không sớm.

Nga sẽ không rút hết quân

. Theo ông, phương Tây sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp hai bên đàm phán và Ukraine nhân nhượng các điều kiện của Nga (không gia nhập NATO, không cho binh sĩ phương Tây đồn trú…) để Nga rút quân về? Trường hợp Nga và Ukraine đàm phán không có kết quả và xung đột ngày càng đẩy cao thì phương Tây sẽ phản ứng thế nào? Khi đó ngoài trừng phạt Nga thì phương Tây còn có hình thức hỗ trợ gì Ukraine đối phó Nga không?

+ Tôi nghĩ và như đã nói ở trên - Nga chắc chắn sẽ không rút hết quân. Điều đó dường như thực sự không thể. Phản ứng của phương Tây trong trường hợp xung đột gia tăng và tiếp tục các hoạt động quân sự ở hướng “tây” sẽ cố gắng tìm một số biện pháp trừng phạt bổ sung, phản đối, nhưng sẽ không có hành động nào khác, đặc biệt là tuyệt đối không có sự giúp đỡ quân sự trực tiếp cho Kiev. NATO chỉ có thể tiếp tục củng cố thực lực của mình trong các quốc gia thành viên NATO, có biên giới với Ukraine, như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.

Chuyên gia bàn về thế đàm phán Nga-Ukraine: Ai phải nhường ai? - ảnh 3
Phái đoàn Ukraine đã đến Belarus, bàn đàm phán đã chuẩn bị sẵn. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO BELARUS/TWITTER

. Một lý do khiến phương Tây kiềm chế không đưa quân vào Ukraine là vì Ukraine vẫn chưa là thành viên của NATO. Ông có nghĩ với các diễn biến hiện tại thì phương Tây có thể tuyên bố kết nạp Ukraine làm thành viên NATO, sau đó lấy danh nghĩa bảo vệ quốc gia thành viên để đưa quân vào Ukraine đối phó Nga không?

+ NATO đã nói rõ rằng hiện tại không có kế hoạch thừa nhận Ukraine với tư cách là một thành viên. NATO không thể can thiệp do quy tắc của khối chỉ can thiệp khi nước bị tấn công là quốc gia thành viên:

“Các Bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều bên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả và do đó, họ đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi họ, khi thực hiện quyền tự vệ của cá nhân hoặc tập thể được công nhận bởi Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, sẽ hỗ trợ Bên hoặc các Bên bị tấn công bằng cách tấn công ngay từ đầu, riêng lẻ và trong sự phối hợp với các Bên khác, chẳng hạn như hành động nếu thấy cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.

Chuyên gia bàn về thế đàm phán Nga-Ukraine: Ai phải nhường ai? - ảnh 4
Đoàn xe chở người dân Ukraine đi sơ tán sang Ba Lan, bên ngoài TP Mostyska, tỉnh Lviv (Ukraine) ngày 27-2. Ảnh: REUTERS

. Ngay từ khi Nga đưa quân áp sát biên giới với Ukraine, tình báo phương Tây vẫn kiên định báo động là Nga sẽ tấn công Ukraine, dù có lúc Nga rút bớt quân về. Và cuối cùng đúng là Nga đã tấn công Ukraine. Những ngày qua có thông tin tình báo Mỹ dự đoán Nga sẽ đánh Ukraine trong 10-15 ngày. Ông nghĩ tin này chính xác tới đâu? Ý kiến riêng của ông thế nào, trong trường hợp đàm phán Nga-Ukraine có kết quả và không có kết quả?

+ Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24-2. Có lẽ tình báo Mỹ có thông tin nhất quán, nhưng không thể dự đoán chính xác cách thức cuộc xung đột sẽ kéo dài. Liên quan đến cuộc đàm phán (giữa Nga và Ukraine) sẽ không có gì thay đổi ngoại trừ nếu Nga đã đạt được các mục tiêu của mình. Cuộc tấn công sẽ vẫn tiếp tục. Một khi mục tiêu của Nga đạt được, Nga và Ukraine có thể đàm phán ngừng bắn, có thể là đình chiến; các điều kiện đã được đề cập trong câu trả lời cho câu hỏi 2.

Xem thêm: lmth.5185401-ia-gnouhn-iahp-ia-eniarkuagn-nahp-mad-eht-ev-nab-aig-neyuhc/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia bàn về thế đàm phán Nga-Ukraine: Ai phải nhường ai?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools