Chiều 28-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Cô trò Trường Mầm non Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TP.HCM) trong một giờ học tại lớp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vì sao khối mầm non có 1 F0, cả lớp phải nghỉ học?
Tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết số ca F0 tăng trong trường học đã gây nhiều khó khăn trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng như việc dạy học.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một F0 thì toàn bộ học sinh trong cùng lớp được xác định là F1. Sở dĩ có quy định như vậy do trẻ chưa có ý thức tuân thủ biện pháp 5K; khả năng tiếp xúc giữa các trẻ khi học tập, vui chơi tại lớp rất lớn. “Khi một lớp có một trẻ F0 thì cả lớp sẽ nghỉ học” - ông Trọng nói.
Đặc biệt ở cấp từ tiểu học đến THPT, ông Trọng cho biết TP.HCM cũng đưa ra hai kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục. Thứ nhất, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện hai F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp. Thứ hai, nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ hai lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
“Việc điều chỉnh hình thức dạy học khi phát hiện F0 không đồng nghĩa là chuyển qua trực tuyến ngay mà có thể tiết chế thời gian học, hoạt động của lớp học. Việc chuyển qua trực tuyến là phương án cuối cùng để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngăn chặn lây lan” - ông Trọng nhấn mạnh.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ ngày 13 đến 26-2, TP.HCM ghi nhận 505 ca mắc COVID-19 trong độ tuổi 0-6; 1.055 ca trong độ tuổi 7-11; 587 ca trong độ tuổi 12-15 và 512 ca trong độ tuổi 16-18. Hiện TP có 197 trẻ mắc COVID-19 cần điều trị nội trú, sáu ca cần thở bằng mặt nạ ôxy, ba em cần thở máy. |
Học sinh F0, F1 tự test nhanh ở nhà vẫn được công nhận
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về việc cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận âm tính để học sinh quay lại trường học bởi thực tế việc áp dụng tại các cơ sở giáo dục hiện nay không thống nhất, có trường yêu cầu phải là cơ sở y tế, trường thì chỉ cần phụ huynh gửi test nhanh là được.
Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Duy Trọng cho biết theo hướng dẫn, cơ quan y tế sẽ là đơn vị cấp giấy xác nhận âm tính để các học sinh đi học lại. Tuy nhiên, thực tế việc phụ huynh đưa học sinh đến các cơ sở y tế xét nghiệm còn nhiều bất cập. Do vậy, Sở GD&ĐT cùng Sở Y tế đã thống nhất theo hướng: Phụ huynh đưa con em đến các cơ sở y tế xét nghiệm là tốt nhất, trong trường hợp không có điều kiện để đưa con đến cơ sở y tế thì có thể tự test nhanh ở nhà, nếu âm tính sẽ được công nhận và các em có thể quay lại trường học.
Theo ông Trọng, điều này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh quay lại trường học. Ông cho biết phương án này sở sẽ xin ý kiến UBND TP để triển khai. •
Đang tổng hợp ý kiến về bình ổn giá mặt hàng Liên quan đến tình trạng giá bán lẻ kit xét nghiệm nhảy múa không kiểm soát trong những ngày qua, Bộ Y tế cho biết đang tổng hợp ý kiến từ các tỉnh, thành để lên danh mục vật tư y tế cần áp dụng các giải pháp bình ổn giá của Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài chính để xem có giải pháp nào có thể can thiệp hiệu quả vào thị trường. Bộ Y tế cho hay nguyên nhân chính của việc tăng giá kit xét nghiệm lúc này là nhu cầu sử dụng tăng bất thường trên toàn cầu, khi nhiều nước đối mặt với chủng Omicron vốn gây lây nhiễm COVID-19 rất nhanh. Việc này cũng xảy ra ở Việt Nam, khi nhịp sống dần trở lại bình thường, khiến số ca F0 ghi nhận tăng liên tục nhiều ngày qua. Ngoài việc lấy ý kiến các địa phương để lên danh mục cụ thể các vật tư cần bình ổn giá, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn về sử dụng kit test nhanh. Điều này sẽ khắc phục hiện tượng sử dụng không đúng, lạm dụng, dẫn tới tăng cầu không cần thiết với mặt hàng này. Về khả năng áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nguồn tin từ cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế cho hay trong các thảo luận chuyên môn ở cấp vụ, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi. Lý do là các biện pháp can thiệp của Chính phủ theo pháp luật để bình ổn giá thường chỉ phát huy hiệu quả với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng tương đối ổn định, có thể dự báo và cung - cầu thị trường hài hòa. Kit xét nghiệm COVID-19 lại không như vậy vì có tính thời vụ cao, do dịch bệnh bất thường. Ngoài ra, các biện pháp bình ổn giá cần được ban hành theo quy trình luật định. Khi đi vào triển khai phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng như y tế, tài chính, quản lý thị trường.Tất cả đều cần thời gian và sẽ có độ trễ. Đến lúc ấy, cung - cầu có khi đã trở lại bình thường, không còn căng thẳng về giá để phải bình ổn nữa. NGHĨA NHÂN - ĐẠI THANH |