Bắt đầu tổ chức từ năm 2018, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM hằng năm đều thu hút lượng lớn thí sinh (TS) tham gia dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ. Năm 2022 cũng tương tự, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức đến hai đợt thi nhưng ngay ở đợt 1, số TS đăng ký đã chiếm rất đông.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Thí sinh dự thi tăng kỷ lục
Chiều 28-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết tính đến 17 giờ trong ngày cuối cùng đăng ký thi ĐGNL đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận đã có gần 80.000 TS đăng ký dự thi.
Đây là học sinh lớp 12 và những TS tự do đã tốt nghiệp THPT muốn dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Đây cũng là số TS đăng ký nhiều nhất trong những năm qua.
Trong đó, theo Tiến sĩ Chính, nhiều nhất vẫn là TP.HCM với gần 40.000 TS, kế đến là các địa phương như Khánh Hòa với 4.500 TS, Đà Nẵng 3.500 TS, Bình Định hơn 4.000 TS…
Tiến sĩ Chính cũng thông tin đến nay đã có khoảng 300.000 nguyện vọng xét tuyển. Trung bình mỗi em đăng ký 3-4 nguyện vọng.
Kỳ thi đợt 1 được tổ chức vào ngày 27-3 tại 17 tỉnh/TP gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Kết quả thi đợt 1 được công bố vào ngày 5-4.
Về bài thi, Tiến sĩ Chính cho biết năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục cập nhật nội dung, ngân hàng câu hỏi để phục vụ cho kỳ thi. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi như mọi năm để không gây xáo trộn cho TS.
Theo đó, bài thi này nhằm chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của TS. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi gồm ba phần chính, sử dụng ngôn ngữ (20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu).
Điểm mới đáng chú ý năm nay là TS được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Đồng thời, TS có thể đăng ký bổ sung nguyện vọng xét tuyển và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố. |
Các trường ĐH-CĐ xét tuyển ra sao?
Được tổ chức bắt đầu từ năm 2018, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM là kỳ thi riêng thu hút nhiều TS dự thi nhất để dùng kết quả xét tuyển vào các đơn vị thành viên của ĐH này. Tuy nhiên, từ hiệu quả trong công tác tổ chức lẫn đánh giá được năng lực TS, dần đã có nhiều trường ĐH-CĐ ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả này để xét tuyển đầu vào.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết đến thời điểm này, đã có 82 đơn vị giáo dục trong cả nước đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bao gồm 10 đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM và 67 trường ĐH-CĐ ngoài hệ thống.
Đặc biệt, tính đến thời điểm này đã có đến 1.266 ngành của 49 trường ĐH-CĐ đăng ký sử dụng hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, có 254 ngành của ĐH Quốc gia TP.HCM, 1.012 ngành của các trường khác.
Riêng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2022, ĐH này dự kiến dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi ĐGNL. Tuy nhiên, nhiều trường thành viên dành chỉ tiêu xét tuyển lớn.
Như Trường ĐH Bách khoa xét tuyển tối đa đến 70% chỉ tiêu trong tổng số hơn 5.000 TS, theo ngành/nhóm ngành. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng xét tuyển 40%-70% trong tổng chỉ tiêu hơn 3.600, Trường ĐH KHXH&NV xét tuyển 35%-50% trong gần 4.600 chỉ tiêu với 43 mã ngành.
Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay chỉ tuyển 60% chỉ tiêu cho cả xét điểm thi tốt nghiệp THPT và ĐGNL. Tuy nhiên, trường chỉ nhận hồ sơ cho những TS đạt mức điểm từ 600, theo thang điểm 1.200 của bài ĐGNL.
Đối với các trường ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, đa số các trường xét tuyển 5%-15% chỉ tiêu theo kết quả ĐGNL. Trong đó có những trường lần đầu tiên sử dụng kết quả này như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xét tuyển với những TS từ 700 điểm trở lên, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận xét tuyển TS từ 650 điểm trở lên.
Còn với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoài yêu cầu TS có điểm sơ tuyển đạt từ 700/1.200 điểm trở lên, TS còn phải có điểm trung bình học tập học kỳ 1 của lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 6,5 điểm trở lên.•
Không khuyến khích thí sinh luyện thi Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM là kỳ thi giúp cho TS tự xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực của mình một cách toàn diện, dài hạn nên không chủ trương luyện thi. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không ban hành, tổ chức bất cứ hình thức luyện thi nào mà hằng năm chỉ công bố cấu trúc bài thi, đề thi mẫu để TS biết định hướng chung về kỳ thi. ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích TS tham gia luyện thi mà khuyến khích các em hãy chủ động học tập một cách toàn diện, phát triển năng lực của mình, tiếp cận kiến thức một cách khoa học và phù hợp. TS không cần thiết phải luyện thi vẫn có khả năng tham dự kỳ thi và đạt kết quả tốt. Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM |