Luật sư Phan Trung Hoài (phải) và anh Đỗ Thanh An - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Liên quan vụ án giết bà Phan Thị Khanh (ngày 31-7-1980 tại xã Tân Minh, nay là Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), luật sư Phan Trung Hoài - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại - đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Công an tỉnh Bình Thuận.
Kiến nghị này nêu rõ cần phục hồi điều tra và truy tố hung thủ ra trước pháp luật, đồng thời kiến nghị các cơ quan tố tụng trung ương lập đoàn kiểm tra liên ngành xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Hàng loạt vấn đề phát sinh sau khi đình chỉ vụ án
Theo nội dung tóm tắt vụ án, bà Phan Thị Khanh bị giết, ông Võ Tê bị bắt giam và điều tra suốt 5 tháng, người dân tố cáo Trương Đình Khôi (tức Trương Đình Chi, Lê Minh Sơn) mới là hung thủ giết người.
Vụ án kéo dài qua 41 năm đến khi cơ quan điều tra xác định được Trương Đình Khôi là hung thủ thực sự của vụ án nhưng đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hiệu.
Theo luật sư Hoài, việc đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hiệu nảy sinh rất nhiều vấn đề pháp lý như trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, thậm chí đẩy gia đình nạn nhân vào hoàn cảnh không biết tìm ai để đòi bồi thường đối với số vàng đã bị cướp và tính mạng người mẹ đã bị giết.
Trong kiến nghị, luật sư nêu việc đình chỉ điều tra vụ án không làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc bỏ lọt tội phạm, đẩy gia đình nạn nhân vào tình trạng không có căn cứ và không thể buộc ai là người chịu trách nhiệm đối với cái chết của bà Phan Thị Khanh và ai bồi thường thiệt hại.
Luật sư phân tích "điều nghịch lý từ quyết định đình chỉ điều tra vụ án này dẫn đến hung thủ giết người ghê rợn, cướp của là Trương Đình Khôi vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật do hết thời hiệu xử lý nên bản kết luận điều tra vụ án số 2 ngày 5-1-2022, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cho Trương Đình Khôi được hưởng "ân huệ" là giao cho gia đình là ông Trương Quốc Đạt (em ruột) và con trai là Lê Thanh Hải bảo lãnh".
Ngoài ra, đối với phần thiệt hại của gia đình nạn nhân, số tài sản 1,6 lượng vàng mà hung thủ đã cướp, cơ quan điều tra xác định nạn nhân khởi kiện hung thủ ra tòa để đòi.
Đề nghị xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan
Luật sư đặt ra các câu hỏi từ góc độ của gia đình nạn nhân, cần được Cơ quan điều tra Công an tỉnh và VKS tỉnh Bình Thuận trả lời và làm rõ:
- Ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm việc không quyết liệt truy tìm, không khởi tố bị can và ban hành quyết định truy nã phù hợp quy định của pháp luật dẫn đến thời gian xảy ra vụ án cho đến khi bắt được Trương Đình Khôi kéo dài hơn 41 năm? Kẻ thủ ác dùng mọi thủ đoạn lẩn trốn, thay tên đổi họ lại được hưởng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án?
- Căn cứ nào để gia đình nạn nhân yêu cầu và Trương Đình Khôi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nếu không bồi thường thì phải làm đơn yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết bằng một vụ án dân sự?
Từ đó, luật sư kiến nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận và VKS tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Đỗ Thanh An theo hướng yêu cầu hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án, giữ nguyên hiệu lực của quyết định phục hồi điều tra vụ án, tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam, điều tra, truy tố và xét xử Trương Đình Khôi và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị ông bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng Viện KSND tối cao, thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao và các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm làm rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng tiền nhiệm trong quá trình khởi tố vụ án dẫn đến oan sai đối với ông Võ Tê, bỏ lọt tội phạm, gây đau thương và thiệt hại về danh dự, tinh thần và vật chất hết sức nghiêm trọng cho gia đình nạn nhân và gia đình của người bị khởi tố, bắt tạm giam oan sai.
TTO - Ngày 2-12, Công an tỉnh Bình Thuận đã mời anh Đỗ Thanh An, con của người phụ nữ bị giết 39 năm chưa tìm ra hung thủ, lên làm việc theo nội dung đơn tố cáo của anh.