Người dân Nga đang thực hiện cuộc "tháo chạy" ở các ngân hàng trong nước. Ở phiên giao dịch ngày 28/2, đồng Rúp của Nga đã sụt giảm mạnh trước thông tin về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của EU và Mỹ đối với Moscow khi quyết định mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hàng dài người đã đứng trước các máy ATM trên vỉa hè, xung quanh các tòa nhà ở Nga và cả các chi nhánh ngân hàng Nga ở châu Âu để rút tiền mặt. Sberbank Europe - thuộc sở hữu của ngân hàng trực thuộc nhà nước Nga Sberbank, cho biết họ đã chứng kiến "dòng tiền gửi bị rút ra với tốc độ đáng kể trong một thời gian rất ngắn."
Hôm qua, NHTW Nga thông báo sẽ nâng lãi suất hơn gấp đôi, từ 9,5% lên 20% để nỗ lực ổn định đồng Rúp khi giảm tới 30% so với đồng USD. Ở mức thấp nhất mọi thời đại, đồng Rúp giao dịch ở mức 119 đổi 1 USD. Đồng tiền này sau đó đã hồi phục nhưng vẫn giao dịch thấp hơn 20% so với đồng USD và ở mức 103 ngay trước khi đóng cửa phiên lúc 10 giờ tối (giờ Moscow). Từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã giảm 28%.
NHTW nước này cũng đưa ra một số biện pháp kiểm soát vốn, để hạn chế lượng tiền chảy ra bên ngoài. Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết các lệnh trừng phạt đã khiến họ không thể bán ra ngoại tệ để hỗ trợ đồng Rúp đang lao dốc.
Maximilian Hess - chuyên gia kinh tế Nga và thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết: "Đây là một đợt rút tiền khỏi ngân hàng đang chính thức được thực hiện. Đưa ra thông báo lúc nửa đêm và hiệu lực vào 4h sáng, NHTW Nga đã nỗ lực ngăn trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra."
Người dân xếp hàng dài trước cửa Sberbank tại Prague (Cộng hoà Séc).
Theo ông, các biện pháp kiểm soát vốn có tác dụng như sau: Ví dụ như ở Na Uy cho biết họ sẽ bán ra các tài sản của Nga nhưng không thể bán chúng lấy ngoại tệ. Hess nói: "Song, dần dần họ sẽ tìm được cách để ‘luồn lách’. Các biện pháp kiểm soát có thể vẫn được duy trì nhưng chỉ có tác dụng ‘trì hoãn tạm thời cơn đau’."
Chuyên gia cho biết thêm: "Tôi dự đoán Nga sẽ chứng kiến một số vụ vỡ nợ. Việc người gửi tiền ồ ạt rút tiền đang diễn ra và sẽ có nhiều điều xảy ra trong quá trình đó."
Cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đã công bố các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với Nga. Những động thái đó bao gồm loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, đóng cửa không phận EU với Nga và xử phạt NHTW buộc phải đóng băng các giao dịch. Hôm qua, Thụy Sĩ thông báo cũng thực hiện các lệnh trừng phạt với EU nhắm đến các loại tài sản của Nga. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với quan điểm trung lập thường thấy ở quốc gia này.
Một chi nhánh khác của Sberbank ở Nga cũng có nhiều người chờ đợi để rút tiền.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) - Ursula von der Leyen, cho biết hôm Chủ Nhật: "Chúng tôi sẽ đóng băng các loại tài sản của NHTW Nga. Do đó, họ sẽ không thể thanh lý tài sản của mình."
Đây là một động thái quan trọng vì khoản dự trữ tài sản nước ngoài của NHTW là rất lớn,với 630 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Đây được coi là phương án "phòng thủ" giúp Nga ứng phó trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và hậu quả là gây tổn thất cho doanh thu lĩnh vực xuất khẩu. Với kế hoạch này của Mỹ và EU, Nga không thể bán tài sản bằng đồng euro hay USD để hỗ trợ đồng Rúp.
Theo đó, những người dân Nga sẽ chịu tác động nghiêm trọng nhất. Họ đã chứng kiến giá trị của các khoản tiết kiệm và tiền lương sụt giảm mạnh chỉ trong vài ngày. Với việc đồng Rúp giảm giá mạnh so với đồng USD, các nhà phân tích cho rằng "nỗi đau" sẽ còn tiếp diễn.
Kamakshya Trivedi - đồng trưởng bộ phận ngoại hối toàn cầu, lãi suất và chiến lược khẩn cấp tại Goldman Sachs, nhận định: "Tôi cho rằng việc phương Tây nhắm đến mục tiêu dự trữ của NHTW Nga là thông tin quan trọng nhất."
Ông nói, nguồn dự trữ ngoại hối lớn của Nga là "tuyến phòng thủ chính và tiên quyết để ứng phó với các lệnh trừng phạt trước khi ảnh hưởng đến tài sản trong nước". Trivdei cho biết thêm: "Tôi nghĩ rằng việc nhắm mục tiêu đó về cơ bản sẽ khiến Nga khó bảo vệ đồng Rúp khỏi áp lực mà chúng ta đang chứng kiến. Do đó, tôi dự đoán, đồng Rúp sẽ còn yếu hơn nữa và không có gì ngạc nhiên khi những biến động tiếp tục xảy ra."
Tham khảo CNBC
http://tintuc.vdong.vn/03/1250625.htm