Đoàn xe quân sự dài 64 km
Ảnh vệ tinh được Maxar Technologies công bố cho thấy đoàn xe của Nga với chiều dài khoảng hơn 64 km đang tiến về phía thủ đô Kiev từ phía bắc.
Các lực lượng Ukraine đã cố gắng chiến đấu kể từ hôm 24/2, và đã làm chậm bước tiến của Nga. Tuy nhiên, có vẻ như Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định sẽ tăng cường thêm nhiều khí tài và nhân lực trên chiến trường.
Kiev cũng như nhiều thành phố khác của Nga đã bị bao vây. Nhiều đợt pháo kích và đụng độ nổ ra nhưng phía Nga vẫn chưa thể tạo nên đột phá đáng kể.
Đoàn xe dài 64 km được công bố cho thấy căng thẳng tại Ukraine sẽ còn tiếp diễn.
Ngoài ra, Maxar Technologies cũng cung cấp những bức ảnh vệ tinh khác và cho biết lực lượng bộ binh và trực thăng tấn công xuất hiện tại miền Nam Belarus. Nơi đây cách biên giới Ukraine chỉ hơn 32 km.
Quân đội Nga đang bao vây thủ đô Ukraine, trong khi đó, có những báo cáo về các nhóm phá hoại trong thành phố đang cố gắng lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói vào hôm 1/3 rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề nghị Washington tăng cường hỗ trợ Kiev dưới các hình thức là trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí.
"Đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi, Bộ trưởng Blinken khẳng định rằng sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine là không thay đổi", ông Kuleba viết trên Twitter.
"Tôi nhấn mạnh rằng Ukraine khao khát hòa bình, nhưng chừng nào còn chịu sự tấn công của Nga thì chúng tôi cần thêm các biện pháp trừng phạt và vũ khí. Bộ trưởng Blinken đảm bảo với tôi về cả hai điều đó. Chúng tôi đã phối hợp cho các bước tiếp theo".
Thương vong đang tăng lên ở cả hai bên. Các tòa nhà trở thành đống đổ nát, đồng thời quân đội Nga cũng chịu thiệt hại về cả khí tài và nhân lực trước sự kháng cự gay gắt của Ukraine.
Nga sử dụng bom nhiệt áp?
Vào ngày 28/2, Đại sứ Ukraine tại Mỹ đã tố cáo Nga sử dụng bom nhiệt áp trong chiến dịch quân sự nhằm vào Kiev.
"Sự tàn phá mà Nga đang cố gắng gây ra cho Ukraine là quá lớn."
Bom nhiệt áp là loại vũ khí sử dụng oxy từ không khí để tạo ra một vụ nổ lớn với mức nhiệt rất cao. Loại vũ khí này tạo ra sóng chấn động nhiều, lâu và lớn hơn so với vũ khí nổ thông thường.
Đại sứ Ukraine Oksana Markarova đặt câu hỏi về việc bom nhiệt áp có bị cấm bởi Công ước Geneva hay không.
Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), luật chiến tranh nghiêm cấm “tấn công bừa bãi”.
“Tấn công bừa bãi là không có sự phân biệt khi tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự. Ví dụ về tấn công bừa bãi là việc tấn công các mục tiêu quân sự không rõ ràng hoặc sử dụng các loại vũ khí không thể tấn công mục tiêu quân sự một cách chính xác.”
HRW cũng lưu ý về việc sử dụng vũ khí nổ tại nơi đông dân cư như "pháo hạng nặng và bom (vũ khí có bán kính nổ rộng)" có thể gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với dân thường trong cuộc xung đột vũ trang đương thời".
NBC News dẫn lời ông Matthew Evangelista, Giáo sư sử học và khoa học chính trị tại Đại học Cornell cho rằng việc sử dụng bom nhiệt áp là một tội ác chiến tranh vì khả năng gây sát thương bừa bãi đối với dân thường.