Mặc dù làm công việc có mức lương 6 con số ở Phố Wall ngay sau khi tốt nghiệp đại học, mãi đến khi căn hộ studio đi thuê bị gián phá hoại khủng khiếp, Vivian Tu mới bắt đầu hành trình đạt được tự do tài chính.
Sau khi hủy hợp đồng thuê nhà và trả 8.000 USD tiền bồi thường hợp đồng, Tu đã hết sạch toàn bộ tiền tiết kiệm. "Tôi rất cảm thấy mình đã làm việc chăm chỉ cả năm trời nhưng cuối cùng lại chẳng khá hơn lúc mới bắt đầu sự nghiệp là bao. Đó thực sự là động lực khiến tôi bắt đầu hành trình tự do tài chính bởi tôi không thể để điều tương tự xảy ra với mình thêm một lần nào nữa", cô gái trẻ chia sẻ.
Lớn lên trong một gia đình nhập cư gốc Hoa, Tu được dạy về tầm quan trọng của việc tiết kiệm nhưng sự cố với căn hộ đã giúp cô thức tỉnh và nhận ra rằng dù đang làm việc tại ngân hàng đầu tư JPMorgan nhưng cô lại không thực sự hiểu biết về tài chính cá nhân.
Ảnh minh họa: Internet.
Thiếu sót đó của cô càng được phóng đại khi cô chuyển sang làm việc tại lĩnh vực công nghệ. Nhiều đồng nghiệp tìm đến cô để xin lời khuyên về tài chính cá nhân hay chọn các khoản đầu tư nhưng cô thực sự không nắm rõ những vấn đề này.
Với nền tảng tài chính của mình, Tu không mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Vì muốn chia sẻ kiến thức và quá trình tìm hiểu với đồng nghiệp, cô đã tạo video TikTok đầu tiên vào ngày đầu tiên của năm 2021. Nó nhanh chóng thu hút được hơn 2 triệu lượt xem, giúp cựu nhân viên Phố Wall trở thành người có ảnh hưởng về tài chính cá nhân trên TikTok chỉ sau 1 đêm.
Phương pháp "STRIP"
Ở tuổi 27, Tu đã tiết kiệm, đầu tư và trở thành triệu phú đô la. Phần lớn tài sản của cô nằm ở căn hộ trị giá 2,73 triệu USD tại New York.
Đạt được sự tự do tài chính trước năm 30 tuổi, Tu thừa nhận rằng cô đã làm điều đó theo một cách "rất nhàm chán và truyền thống. Đối với những người trẻ sống ở những khu vực có chi phí sinh hoạt cao như New York, cô gợi ý họ nên sử dụng phương pháp "STRIP" để bắt đầu.
"S" (savings) - tiết kiệm: Tu khuyên các bạn trẻ nên tiết kiệm và dành ra từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản để làm quỹ khẩn cấp, dự phòng cho những tình huống phát sinh bất ngờ như ốm đau, hỏng hóc nhà cửa, xe cộ.
"T" (total debt) - tổng số nợ: Đối với những người có khoản vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng, Tu khuyên họ nên sắp xếp từ khoản có lãi suất cao nhất đến lãi suất thấp nhất và thanh toán bất kỳ khoản nào có lãi suất trên 7% càng sớm càng tốt.
"R" (retirement) - nghỉ hưu: Theo Tu, các tài khoản hưu trí được hưởng lợi về thuế như Roth IRA, IRA và 401 (k) là một bước đột phá tuyệt vời trong việc đầu tư do lợi ích về thuế và các lựa chọn phù hợp đối với người sở hữu.
"I" (investing) – đầu tư: Đối với Tu, đầu tư ở đây bao gồm đầu tư chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số và cả đầu tư vào giáo dục, sở thích cá nhân.
"P" (planning) – lên kế hoạch: Đây là điều bị nhiều người bỏ qua. "Không phải tất cả chúng ta đều cần hàng triệu USD để nghỉ hưu. Bạn có thể cần ít hơn mà vẫn làm được điều đó. Hãy nắm rõ tình hình cũng như mục tiêu tài chính cá nhân để lên kế hoạch biến chúng thành hiện thực", Tu chia sẻ.
Bên cạnh việc sử dụng phương pháp "STRIP" và đầu tư một cách khôn ngoan, Tu cho biết cô còn tìm cách để tăng thu nhập bởi đây là điều quan trọng nhất để xây dựng sự giàu có về dài hạn.
"Khi thu nhập không cao, bạn chỉ có thể tiết kiệm một tỷ lệ nhất định. Còn khi thu nhập tăng, bạn có thể giữ nguyên lối sống và tiết kiệm được nhiều hơn. Tôi luôn tập trung vào việc tăng thu nhập. Tôi yêu cầu tăng lương mỗi năm 1 lần và sẽ nghỉ việc nếu cảm thấy công sức của mình không được trả xứng đáng", Tu cho biết.
Nguồn: Ins
http://tintuc.vdong.vn/03/1250931.htmMộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị