“Nghĩ đến kit test mà đau lòng, tốn kém quá”, “nhịn ăn mua kit test…” là tiếng lòng của rất nhiều người dân những ngày này khi đụng tới việc xét nghiệm COVID-19. Tiền chi cho mua kit xét nghiệm đã và đang trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình mà “kêu trời không thấu”.
Ngay từ tháng 9-2021, trước những bức xúc của dư luận về giá kit test ở mức cao, Bộ Y tế đã cho biết bộ này sẽ đề nghị đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật. Nhưng đến ngày 23-2, tức gần năm tháng sau, trả lời báo chí, bộ này vẫn tiếp tục cho biết sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá…
Giá kit test COVID-19 mỗi nơi một kiểu. Ảnh: NHƯ LOAN
Khoản 3 Điều 15 Luật Giá 2012 nêu rõ: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 điều này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định”. Cuối năm 2021, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 12/2021, trong đó đồng ý bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Như vậy, có thể thấy cơ sở pháp lý để sớm đưa mặt hàng kit xét nghiệm vào danh mục bình ổn giá đã thông thoáng và có thể khởi động ngay quy trình luật định. Chưa kể, trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, QH còn ban hành Nghị quyết 30/2021 trao rất nhiều quyền năng cho Chính phủ, thậm chí cho phép Chính phủ “quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành…”!
Đã có cơ sở pháp lý, đã có thực tiễn sinh động, vậy thì trong chừng ấy ngày tháng, bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan liên quan đã thấu cảm những gì từ tiếng kêu than của người dân về giá kit test trên trời, để rồi câu chuyện bình ổn giá kit xét nghiệm vẫn dường như chưa có một bước chuyển rõ rệt nào?
Liên quan đến giá kit xét nghiệm, trong vụ án Công ty Việt Á, Tổng cục Hải quan cho biết công ty này nhập que thử test nhanh kháng nguyên từ Trung Quốc với giá khai báo 0,955 USD/test (chỉ khoảng 21.560 đồng/test). Còn về chính quy thì mới đây nhất, trong Thông tư 02 hướng dẫn giá xét nghiệm COVID-19 ban hành ngày 18-2, Bộ Y tế cũng quy định với test nhanh mẫu đơn, mức thanh toán không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (lưu ý giá này còn bao gồm cả chi phí lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả, chi phí tiền lương… chứ không chỉ có mỗi chi phí kit xét nghiệm).
Dẫn chứng như vậy để thấy rõ ràng có sự bất hợp lý rất lớn khi trên thị trường, người dân đang phải tốn 100.000-150.000 đồng cho một bộ kit test. Một gia đình nếu vướng phải F0 hay F1 thì mỗi đợt bay mất tiền triệu là thường.
Và khi vẫn tồn tại sự bất hợp lý ấy thì không thể ngăn được dư luận đặt nhiều câu hỏi: Ai đứng đằng sau những quyền lợi của việc loạn giá kit test này? Vì sao chậm bình ổn giá kit xét nghiệm? Nguyên nhân vì sao, vướng chỗ nào? Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ở đâu, tại sao gỡ chưa ra?
Chừng nào những câu hỏi đó chưa được trả lời thì sự tin cậy đối với việc không trục lợi từ vật tư và vật phẩm chống dịch sẽ còn lơ lửng.
Đề nghị các cơ quan chức năng có câu trả lời cho người dân rõ là khó chỗ nào và ai là người chịu trách nhiệm gỡ vướng. Bởi mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời cũng là yêu cầu của xã hội, chính là: Không để cho bất cứ kẻ nào trục lợi trên những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân từ những bộ kit xét nghiệm đang nhảy múa về giá.