Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 1-3 dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định rằng Nga sẽ không triển khai toàn bộ lực lượng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine mà thay vào đó chọn sử dụng lực lượng hạn chế để thúc đẩy Kiev đàm phán.
Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán ngày 28-2. Ảnh: AFP
Các chuyên gia này cho biết nhiều loại vũ khí mà Nga sử dụng trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine cho tới nay chủ yếu mang tính chiến thuật, nhưng cảnh báo tình hình có thể trở nên phức tạp và tồi tệ hơn.
Theo cựu giảng viên quân sự Trung Quốc - ông Song Zhongping, mục tiêu chính của chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhằm “kiểm soát” hơn là chiếm đóng và phá hủy các thành phố của Ukraine. Từ đó có thể dồn Kiev vào thế trận phải đưa ra quyết định.
“Ukraine đứng trước lựa chọn giữa chia rẽ hay thống nhất. Nếu Ukraine quyết tâm gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ, quốc gia này cần dành thời gian cho đàm phán” - ông Song cho hay.
Tuy nhiên ông Song nhấn mạnh nếu cuộc chiến tiếp diễn, Nga có thể triển khai thêm nhiều lực lượng.
Tờ SCMP đưa tin Nga đã phóng hơn 160 tên lửa vào Ukraine kể từ khi quốc gia này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, trong đó đa phần là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Moscow cũng đã điều 75 máy bay ném bom hạng nặng và hạng trung. Phía Nga khẳng định các mục tiêu trước đến nay đều tập trung vào mạng lưới quân sự, phòng không, doanh trại và kho đạn dược của Ukraine.
Trong một động thái mang tính leo thang, ông Putin ngày 28-2 đã ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động cao. Theo chuyên gia Song, điều đó có nghĩa là các lực lượng răn đe hạt nhân đang ở “trạng thái sẵn sàng” và có thể phóng vũ khí hạt nhân theo lệnh.
Trong khi đó, ông Zhao Tong - một thành viên cấp cao về chương trình chính sách hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace - cho biết việc nâng lên tình trạng báo động cao nhằm thể hiện quyết tâm chính trị của Nga.
“Hành động đe dọa hạt nhân của ông Putin về cơ bản thông báo rằng Nga không ngại leo thang cuộc xung đột, bao gồm chống lại NATO và Mỹ” - ông Zhao nói.
Chuyên gia này nói rằng về mặt chiến thuật, Moscow mong muốn đạt được bất cứ hoặc toàn bộ mục tiêu, bao gồm ngăn chặn NATO và châu Âu viện trợ quân sự cho Ukraine, đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế và ngăn cản NATO hành động quân sự.
Bên cạnh đó, ông Zhao nhìn nhận cho đến nay, quân đội Nga dường như đang kiềm chế việc sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm tránh gây ra thương vong lớn cho dân thường. Ông cũng nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Moscow có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa trang bị vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí chiến lược khác.
“Vũ khí chiến lược nhằm để răn đe chiến lược chứ không phải cho chiến tranh và do đó chúng không thích hợp cho giai đoạn chiến tranh” - ông Zhao phân tích.