Ngày 1-3, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, đưa giá xăng lập đỉnh mới với lần thứ 6 tăng giá liên tiếp.
Tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít
Theo đó, từ 15 giờ ngày 1-3, mỗi lít xăng E5RON92 có giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); xăng RON95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng, gồm: dầu hỏa tăng 470 đồng, lên 19.970 đồng/lít; dầu diesel tăng 510 đồng, lên 21.310 đồng/lít và dầu ma-dút có giá bán 18.460 đồng/kg sau khi tăng 530 đồng/kg.
Tính từ thời điểm cuối tháng 12-2021 đến nay, xăng RON95 đã tăng 4.030 đồng/lít, xăng E5RON92 tăng 3.990 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.980 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.650 đồng/lít và dầu ma-dút tăng 2.720 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 220 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít. Trong bối cảnh liên tục chi, quỹ BOG xăng dầu đã cạn - như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trước thời điểm 15 giờ ngày 1-3, quỹ BOG ước tính âm 158 tỉ đồng - thì vấn đề giảm thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng dầu được giới chuyên gia và người đân đặc biệt quan tâm.
Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Trong ảnh: Điều chỉnh giá tại một cây xăng ở TP HCM chiều 1-3 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bộ Công Thương cũng đồng thuận với phương án này khi cho biết nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp (DN), làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ việc phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ quỹ BOG có hạn thì cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Bên cạnh việc bình ổn giá, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với các đơn vị kinh doanh đầu mối xăng dầu và khẳng định bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống. Bộ Công Thương bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong quý II/2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các DN đầu mối. Cụ thể, các DN đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu tăng khoảng 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết bộ đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên Chính phủ. Nội dung Bộ Tài chính trình đang được cấp có thẩm quyền xem xét nên chưa thể thông tin tới báo chí về mức điều chỉnh chi tiết.
"Việc quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Chính phủ sẽ xem xét, thông qua phương án của Bộ Tài chính để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - đại diện Bộ tài chính thông tin.
Theo các quy định hiện hành, xăng dầu bán lẻ phải chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, E5RON92 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Nếu mức thuế này được xem xét điều chỉnh giảm sẽ góp phần "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới vượt mốc 100 USD/thùng, khủng hoảng giữa Nga - Ukraine tiếp tục gây áp lực lên giá nhiên liệu. Cụ thể, nếu mức thuế này giảm 50% thì mỗi lít xăng RON95 có thể giảm được 2.000 đồng, xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cho rằng khi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã miễn, giảm một số loại thuế, phí cho người dân và DN. Vì vậy, việc giảm thêm thuế bảo vệ môi trường để "hạ nhiệt" giá xăng dầu sẽ gây khó khăn nhất định cho ngân sách. Tuy nhiên, ông Long vẫn đồng tình với việc xem xét để giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng quan trọng này.
Nên giảm thuế, phí và bỏ quỹ bình ổn
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (DN kinh doanh xăng dầu tại TP Đà Nẵng), nhìn nhận tình hình giá dầu thế giới leo thang có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước vượt mọi kỷ lục cũ. Điều này gây ra nguy cơ lạm phát rất lớn trong năm 2022, khi mà mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh có nhu cầu sử dụng xăng dầu rất lớn để hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng.
"Lúc này, Chính phủ cần gấp rút chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu cắt giảm triệt để các chi phí không cần thiết trong cơ cấu giá xăng dầu. Đồng thời, có chủ trương giảm thuế suất đối với tất cả các sắc thuế liên quan xăng dầu. Do việc giảm thuế về mặt nguyên tắc cần thông qua Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có thể thay mặt cộng đồng DN kiến nghị một chính sách riêng trong bối cảnh cấp bách này, chẳng hạn rút gọn quy trình xin ý kiến và thông qua việc giảm thuế" - ông Phúc đề xuất.
Về quỹ BOG, ông Phúc cho rằng không cần thiết tồn tại trong bối cảnh dần đưa mặt hàng xăng dầu tiến sát hơn đến thị trường. Với việc giá dầu trên thế giới hiện nay biến động quá lớn và chưa dự báo được thời điểm chấm dứt khủng hoảng, quỹ BOG càng không thể hiện được vai trò hỗ trợ bình ổn giá khi nguồn đã cạn.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách TP HCM, cho rằng giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm qua đã tác động đến hầu hết các ngành nghề, trong đó ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ông Tính, hiện các loại thuế, phí chiếm tỉ lệ rất lớn trong mỗi lít xăng dầu. Nếu miễn giảm thuế, phí sẽ kéo giá xăng dầu xuống đáng kể. Do đó, ông kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nên nhanh chóng có ý kiến trình lên Chính phủ xem xét sớm giảm các loại thuế phí này.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cũng kiến giảm thuế, phí và đặc biệt là giảm hoặc tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít xăng RON95 và 3.800 đồng/lít xăng E5RON92 để giảm giá xăng. Bởi lẽ, cả 2 loại xăng này đều là xăng nhiên liệu sạch. Ông Hùng đề nghị các bộ, ngành cần xem lại quỹ BOG hoạt động có hiệu quả hay không, từ khi thành lập đã thu và chi bao nhiêu, để giữ bình ổn giá một cách công khai, minh bạch.
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, góp ý nên sử dụng công cụ thuế một cách mạnh tay hơn nữa để góp phần giảm áp lực tăng giá xăng quá mạnh. "Lúc này, nếu Chính phủ, Quốc hội không quyết liệt, mạnh mẽ sử dụng công cụ thuế trong điều hành giá xăng dầu thì DN sẽ không trụ nổi chứ đừng nói có thể hồi phục sau dịch Covid-19. Việc giảm thuế đến mức tối đa, tức đưa một số sắc thuế về 0%, có thể được thực hiện trong giai đoạn cấp bách này. Sau đó, khi thị trường ổn định hơn, có thể tăng thuế trở lại để bảo đảm nguồn thu ngân sách" - TS Sơn nêu ý kiến.
Ngoài ra, TS Sơn cho rằng nhất thiết phải tăng dự trữ xăng dầu phục vụ cho những giai đoạn thị trường biến động mạnh, thay vì chỉ chủ yếu phục vụ cho thiên tai, địch họa... Bởi thực tế, một biến động dù nhỏ trên thế giới gây ảnh hưởng đến cục diện địa chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và khí đốt, trong khi các mặt hàng nhiên liệu này đóng vai trò tối cần thiết trong nhu cầu của bất cứ nền kinh tế nào.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường
Ngày 1-3, trong Công điện 960, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine.
Theo công điện, dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã làm giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh; mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trong nước. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các biến động về cung cầu, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thị trường có biến động để thu lời bất chính.
Xem thêm: mth.87994541210302202-uad-gnax-aig-mik-ed-ihp-euht-maig-yat-hnam/et-hnik/nv.moc.dln