Việc Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, khiến toàn khu vực rơi vào bất ổn và gây tác động tiêu cực trước mắt đến thị trường toàn cầu. Vậy còn ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam thì sao, thưa bà?
Lạm phát chính là yếu tố quan trọng nhất và trực tiếp nhất khi bàn về ảnh hưởng lên nền kinh tế Việt Nam. Khi giao tranh xảy ra, kinh tế Nga có thể bị cô lập, và một loạt các hàng hóa xuất khẩu chủ đạo của Nga sẽ bị cấm vận, trong đó có khí đốt, than, phân bón, kim loại và các sản phẩm nông nghiệp (như lúa mỳ).
Thị trường hàng hóa thế giới sẽ ngay lập tức phản ứng với thông tin này, và nhanh chóng dẫn đến tình trạng khan nguồn cung. Giá dầu khí tăng cao cũng sẽ gián tiếp khiến chi phí vận chuyển của nhiều mặt hàng tăng lên.
Ngoài ra, ảnh hưởng gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam do giao thương toàn cầu có thể bị sụt giảm (hoặc do chuỗi cung ứng một số mặt hàng liên quan đến Nga bị gián đoạn vì cấm vận, hoặc chi phí biến động khó lường khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng nhập hàng), qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thương quốc tế của Việt Nam từ chiến sự ở Ukraine là không đáng kể. Theo số liệu VinaCapital hiện có, số lượng khách quốc tế từ Nga mới chiếm khoảng gần 8% tổng lượt khách trong 2 tháng đầu năm. Hiện tại, Nga chỉ chiếm khoảng 1% xuất khẩu từ Việt Nam và 1% nhập khẩu vào Việt Nam, còn Ukraine gần như không đáng kể.
Một trong những yếu tố khác cũng đang được quan tâm chính là giá dầu, khi nhiều chuyên gia dự báo rằng giá dầu sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế. Bà đánh giá như thế nào về điều này?
Theo phân tích sơ bộ, giá dầu thế giới thực (sau khi điều chỉnh cho lạm phát) hiện vẫn còn thấp hơn mức đỉnh ở thập kỷ 90 và 2000. Đáng chú ý, xăng dầu vốn là một mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu không dễ bị "co giãn" trong ngắn hạn, nên những cú sốc hiện tại lên nguồn cung giá dầu nhiều khả năng sẽ còn đẩy giá dầu cao hơn nữa trong thời gian tới, khi nhu cầu chưa kịp thích ứng.
Tôi cũng vừa chia sẻ, mặt bằng giá quá cao có thể dần dần ảnh hưởng đến giao thương và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động, và sẽ tiếp tục chiếm thị phần giao thương quốc tế, bất kể những biến động ngắn hạn.
Như vậy thì biến động giá các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như xăng, dầu, gas… sẽ tăng? Bà có thể làm rõ những tác động mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt trong thời gian sắp tới?
Như đã phân tích ở trên, giá xăng dầu và gas hầu như chắc chắn sẽ tăng trong ngắn hạn, thậm chí có thể tăng nóng. Vốn là một nền kinh tế mở, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trước mắt sẽ bị ảnh hưởng bởi nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn, nhiều năng lực cạnh tranh, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả trong thị trường ngách vẫn có thể dần dần nâng giá bán để bảo vệ biên lợi nhuận cho năm 2022.
Bà cũng vừa chia sẻ rằng lạm phát là yếu tố quan trọng nhất. Như vậy thì áp lực lạm phát sẽ ra sao trước những biến động này, thưa bà?
Ảnh hưởng lên chỉ số CPI sẽ còn cần nhiều thời gian để đánh giá, do trong chỉ số CPI có một số cấu phần thuần túy liên quan đến chuỗi cung ứng trong nước và ít ảnh hưởng bởi giao tranh Nga - Ukraine, như lương thực, vật liệu xây dựng, giáo dục... qua đó có thể giảm thiểu phần nào ảnh hưởng lên CPI từ đây tới cuối năm.
Theo nhận định của VinaCapital, ngoài cấu phần Giao thông chiếm tỷ trọng gần 10% trong rổ CPI, ảnh hưởng của chiến sự lên các cấu phần khác là chưa rõ ràng hoặc chỉ ở mức gián tiếp. Chúng tôi đang theo dõi sát sao vấn đề này.
Việc phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bức tranh giao dịch tài chính toàn cầu. Nhưng điều này có đáng lo ở Việt Nam?
SWIFT vốn là một hệ thống toàn cầu cho ngành ngân hàng. Do vậy, đúng là ảnh hưởng của việc loại Nga khỏi SWIFT trước mắt sẽ không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà tác động bao trùm bức tranh giao dịch toàn chính toàn cầu.
Thực tế, các ngân hàng lớn trên thế giới như Citigroup hay JPMorgan cũng đã cảnh báo sẽ có hệ lụy tiêu cực cho các nền kinh tế phương Tây từ động thái này. Cũng giống như ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận khác, điều này làm cô lập một phần nền kinh tế Nga, và qua đó các doanh nghiệp quốc tế (bao gồm các doanh nghiệp có giao thương trực tiếp với Nga) sẽ gặp ảnh hưởng.
Thực ra tôi cũng vừa nói, Nga không phải là một đối tác giao thương lớn của Việt Nam do kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ ở mức khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bà có thể đưa ra lời khuyên gì cho các nhà đầu tư trong giai đoạn đầy biến động hiện nay?
Bản thân tôi luôn tin rằng, trong nguy có cơ, và sẽ luôn có những cơ hội mở ra trước những sự kiện biến động vĩ mô lớn như thế này. Khi triển vọng thị trường trở nên khó lường, nhà đầu tư sẽ khó có thể "đánh đâu thắng đó".
Khi đó, việc chọn lọc cổ phiếu sẽ trở nên vô cùng quan trọng, quyết định lợi nhuận đầu tư. Vì thế, các quỹ mở được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm có thể giúp các nhà đầu tư chắt lọc ra những cơ hội, cũng như tận dụng thời cơ giữa rất nhiều biến động khó lường để đảm bảo có lợi nhuận tốt trong dài hạn.
https://cafef.vn/chuyen-gia-vinacapital-giai-ma-tac-dong-giao-tranh-nga-ukraine-len-gia-dau-lam-phat-va-loi-khuyen-cho-ndt-viet-nam-20220302064116053.chnTheo Quỳnh Lê
Trí Thức Trẻ