Sáng 2/3, trình bày tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tham vấn về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, xây dựng quy hoạch tổng thể là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia. Quan điểm quan trọng là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính. Các nguồn lực được huy động, sử dụng hiệu quả nhất vì lợi ích đất nước.
Theo Bộ trưởng Dũng, hiện có 6 quan điểm trong quy hoạch tổng thể quốc gia được đề xuất. Thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, cực tăng trưởng tại khu vực có tiềm năng.
Đơn cử, về phát triển các hành lang kinh tế, dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.
Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.
Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong lập quy hoạch là đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Quy hoạch đi trước một bước, sát thực tế, phát huy được thế mạnh của các lĩnh vực, địa phương; tháo gỡ khó khăn, yếu kém. "Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, để có chương trình, dự án tốt, từ đó có nhà đầu tư tốt", Thủ tướng nói và yêu cầu coi công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng năm 2022.
Theo ông, quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến mà bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết; đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự lực vươn lên của các địa phương, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng; giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Để có quy hoạch tốt, Thủ tướng lưu ý lựa chọn nhà thầu tư vấn tốt cả trong và ngoài nước, đồng thời lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học trong thẩm định.
Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, đơn cử khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ...; có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, người dân cả nước được hưởng lợi từ sự phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Chính phủ đã trình và Quốc hội đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Thủ tướng đã phê duyệt 4/38 quy hoạch ngành quốc gia, đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tỉnh Bắc Giang...
Chính phủ đang xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia để trình cấp có thẩm quyền; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt.
Dự kiến, dự thảo về quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4/2022 và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022. Sau khi nhận phản hồi từ các cấp, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để hoàn thiện quy hoạch và dự trình Chính phủ xem xét thông qua trong tháng 7, trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 10/2022.
Đức Minh - Viết Tuân