Tại báo cáo thường niên 2021, Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) đánh giá tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là thiếu hụt năng lực vận chuyển container sẽ còn kéo dài trong năm 2022.
Nhìn lại năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, gây ra khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container, đẩy giá cước vận chuyển container tăng bình quân gấp tới 5 – 6 lần so với giá cước trước dịch. Giá cước quốc tế tăng cao nên giá cước nội địa cũng được điều chỉnh dần cho phù hợp xu hướng chung.
Vì vậy, trong 3 năm tới, Vận tải Hải An tiếp tục đầu tư và phát triển đội tàu để cung cấp dịch vụ hằng ngày ở các tuyến chính Tp.HCM - Hải Phòng - Cái Mép. Cụ thể, Công ty sẽ đầu tư mua thêm 2 tàu container đã qua sử dụng loại 1.600 - 1.700 TEU, đóng mới từ 2 đến 3 tàu container 1.800 TEU.
Năm trước, Hải An đã nhận thêm 2 tàu container mới nâng tổng số đội tàu lên 9. Ngoài ra, vào tháng 8/2021, đơn vị ký hợp đồng đóng mới 2 tàu container loại Bangkok Mark IV (1.800 TEU). Doanh nghiệp cho biết khi ký hợp đồng đóng mới giá đóng mới tăng khoảng 9%, đến nay tăng lên gần 30%.
Đồng thời, trong định hướng kinh doanh, không chỉ ở nội địa, Hải An sẽ hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để phát triển các tuyến vận tải nội Á, trước mắt là Đông Nam Á, Đông Bắc Á để phục vụ hàng xuất khập khẩu Việt Nam. Hải An thông tin đang nắm giữ thị phần vận tải container nội địa gần 30%.
Ngoài ra, tận dụng xu hướng giá cước quốc tế tăng cao, từ quý IV/2021, doanh nghiệp đã cho thuê dài hạn thêm được 2 tàu loại 1.740 - 1.800 TEU cho nước ngoài nâng tổng số tàu cho thuê lên 4.
Đối với mảng cảng và logistics, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cảng, depot tại khu vực Tp.HCM, Vũng Tàu và miền Trung khi có cơ hội; đầu tư nâng cấp mặt bãi cảng Hải An và hệ thống thoát nước; tập trung lựa chọn và phát triển các phần mềm CNTT phù hợp với mô hình kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý.
Mục tiêu của Hải An là hoàn chỉnh chuỗi logistics bao gồm vận tải container, khai thác cảng container và cung cấp dịch vụ thu gom, phân phối và thông quan cho hàng hóa vận chuyển bằng container tại 2 khu vực chính của đất nước là Hải Phòng - Hà Nội và Vũng Tàu - Tp.HCM.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Hải An đặt mục tiêu tổng sản lượng 2022 đạt 948.000 TEU, giảm 6,3% so với thực hiện năm trước. Trong đó, khai thác cảng 411.000 TEU, khai thác tàu 395.000 TEU, cùng giảm lần lượt 1,4% và 16,7%, ngược lại sản lượng depot tăng 16,8% lên 142.000 TEU.
Tổng doanh thu 2.388 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 550 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2021. Đây tiếp tục là những chỉ tiêu kỷ lục của Hải An.
Năm trước, nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng cao cùng việc đầu tư thêm tàu mới, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 64,7%; lãi sau thuế đạt 550,6 tỷ đồng, gấp 3,2 lần.
SSI Research đánh giá chiến lược gia tăng các hợp đồng cho thuê tàu dài hạn sẽ hỗ trợ tích cực cho Hải An trong hai năm tới. Nguyên nhân là do các tàu cho thuê có biên lợi nhuận ổn định và cao hơn so với tàu tự vận hành. Cùng với đó, các tàu cho thuê giúp giảm rủi ro liên quan đến biến động giá dầu do công ty không phải chịu chi phí nhiên liệu.
Mặt khác, 55% đội tàu container của Việt Nam đã được cho thuê ra nước ngoài, trong đó nhiều hợp đồng dài hạn kéo dài đến hai năm. Do đó, SSI Research ước tính việc thiếu cung và giá cước cao sẽ duy trì ít nhất 1-2 năm tới.