Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hôm 24/2, chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga lập tức lao dốc 30%.
Ngân hàng trung ương Nga sau đó đã ra lệnh đóng cửa thị trường chứng khoán để ngăn nhà đầu tư, nhất là khối ngoại, bán tháo trong lúc hoảng loạn. Giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt của Phương Tây dồn dập giáng xuống Moscow, giới chức Nga tiếp tục đóng cửa thị trường trong tuần này.
Tuy nhiên, chứng chỉ lưu ký của Sberbank giao dịch tại sàn London lại không tránh khỏi tai ương. Riêng phiên đầu tuần (28/2), Sberbank đã cắm đầu giảm 74%.
Trong ngày tiếp theo, chứng chỉ lưu ký cổ phiếu này tiếp tục rớt thảm. Như thể hiện trong biểu đồ bên dưới, trong chưa đầy một tháng gần đây, Sberbank đã mất 99,9% vốn hóa. Giá chứng chỉ quỹ hiện chỉ còn 0,01 bảng Anh.
Một ngân hàng Nga khác là Tinkoff cũng chứng kiến vốn hóa bốc hơi 80% trong một ngày 28/2.
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã quyết định ngắt kết nối 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống liên lạc tài chính toàn cầu SWIFT, cụ thể là: Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Sovcombank, VTB, Bank Rossiya, và VEB. Thống kê dưới đây cho thấy nhiều ngân hàng bị cấm vận nằm trong top nhà băng có tổng tài sản lớn nhất nước Nga.
Hai nhà băng lớn may mắn thoát khỏi danh sách trừng phạt SWIFT là Sberbank và Gazprombank. Ngân hàng Trung ương Nga sở hữu trên 50% vốn điều lệ của Sberbank còn đại gia khí đốt Gazprom cũng là cổ đông lớn của Gazprombank. Hai nhà băng này không bị cắt đứt khỏi SWIFT sẽ cho phép châu Âu tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt khác của Phương Tây sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả hệ thống ngân hàng Nga, bất kể có kết nối với SWIFT hay không.
Mỹ, Anh và các quốc gia châu Âu đã nhất trí phong tỏa toàn bộ dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, quy mô có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.
Lệnh cấm này được cho là còn nguy hại hơn SWIFT, khiến cho Nga không thể dùng dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng ruble và chống đỡ nền kinh tế trước các đòn phong tỏa, cô lập của Phương Tây. Chính phủ Nga cũng không thể vay nợ trên thị trường quốc tế.
Giá trị đồng ruble so với USD lao dốc 30% xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 28/2, sau đó tiếp tục giảm trong hai phiên đầu tháng 3. Do dự trữ ngoại hối đã bị phong tỏa, không thể dùng để mua đồng ruble và chặn đà mất giá, nên Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất từ 9,5% lên 20%.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn xếp hàng dài trước các cây rút tiền ATM do không còn lòng tin vào hệ thống ngân hàng và lo lắng cho tương lai kinh tế Nga giữa rừng lệnh cấm vận của Phương Tây.