Ngày đầu tháng 3, thủ phủ dưa ở huyện Krông Pa (Gia Lai) bắt đầu thu hoạch. Nhiều ôtô tải cỡ lớn tiến vào bãi phù sa bằng phẳng bên dòng sông Ba (xã Uar, huyện Krông Pa) để chở dưa. Những vườn đã thu xong, vội dỡ lán, gom ống nước, máy bơm... bốc lên xe tải để trở về quê.
Cạnh đó, vợ chồng ông Nguyễn Minh Đỡ (47 tuổi) đang ngồi trong căn lều bạt, ngóng thương lái vào cắt để được về quê sớm. "Họ đã đặt cọc tiền và hứa ngày mai vào thu" ông Đỡ nói và tỏ ra buồn bã vì phải bán lỗ.
Theo ông Đỡ, năm nay thời tiết vùng Tây Nam Gia Lai thuận lợi, đồng dưa rộng hai ha của ông đạt 2,5 tấn một sào (500 m2). Ông cho biết bán cho thương lái với giá 3,6 triệu một sào (khoảng 1.400 đồng một kg), trong khi chi phí đầu tư khoảng 8 triệu đồng mỗi sào. Tính ra, ông lỗ 4,4 triệu một sào.
Biết giá thấp nhưng vợ chồng ông buộc phải bán để vớt vát chút vốn vì vườn dưa đã chín quá 4 ngày. Với việc thua lỗ này, đồng nghĩa số nợ của vợ chồng ông Đỡ cũng phình to vì trước đó phải vay mượn vốn để đầu tư.
"Vụ tới, vợ chồng tôi tiếp tục vay mượn để lên Tây Nguyên trồng dưa, bởi đất đai ở quê không có, không biết làm nghề gì khác", ông Đỡ nói.
Những ngày qua, người dân trồng dưa ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cũng đứng ngồi không yên vì hàng chục ha dưa đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa thấy bóng dáng của thương lái, với sản lượng cần được tiêu thụ là hơn 800 tấn ở hai xã Hà Mòn và Đăk Ngọc.
Hai hôm nay, ông Phan Văn Hùng (49 tuổi, xã Hà Mòn) cùng người thân chở dưa cho các thương lái nhỏ lẻ, và các hàng quán ở trong khu vực, khi vườn dưa 7 sào (đạt khoảng 27 tấn) của gia đình đã chín mà không có thương lái đến mua. Nhờ quen biết, sau vài ngày ông bán được gần nửa vườn dưa, với giá 2.000-4.000 đồng một kg.
Làm công nhân cà phê hàng chục năm qua, dành dụm được số vốn, năm nay vợ chồng ông Hùng thuê hai ha đất ở trong xã để trồng dưa. Tiền thuê đất, nhân công, máy móc, phân bón, thuốc... khoảng 150 triệu đồng một ha. Trong đó có 7 sào dưa gieo sớm đã đến lúc thu hoạch.
Tuy nhiên khác với những vụ mùa trước, thương lái tự tìm đến vườn để mua với giá cao, năm nay chủ vườn phải chủ động đi tìm người mua. "Gọi điện họ bảo do cửa khẩu sang Trung Quốc đóng cửa nên không thể chở dưa sang bên đó", ông Hùng kể và hy vọng sắp tới hàng hoá thông thương trở lại, diện tích dưa còn lại của gia đình sẽ được mua giá cao.
Thương lái Lê Thị Thanh (Phú Yên) cho biết, dù cửa khẩu ở phía Bắc đã mở nhưng lượng hàng hoá xuất khẩu vẫn còn hạn chế, rủi ro cao nên thương lái chỉ mua với giá thấp. Một số khác mua để cung cấp thị trường trong nước, đồng nghĩa giá cả không cao được.
Tây Nguyên - vùng đất rộng lớn, màu mỡ, phù hợp cho nghề trồng dưa hấu. Nhiều năm nay người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên ngược lên Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum... thuê đất trồng với diện tích hàng nghìn ha.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết, toàn huyện có khoảng hơn 1.000 ha trồng dưa hấu với sản lượng khoảng 40.000 tấn, chủ yếu người dân ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên thuê đất trồng.
Không riêng gì dưa hấu, 80% các mặt hàng nông sản đều phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này đóng cửa, người trồng dưa gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đang tìm cách kêu gọi các tổ chức "giải cứu" và tìm đầu ra cho nông sản.
Ngọc Oanh