Từ ngày 1-3-2022, nhân viên môi giới phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp - Ảnh: Q.Đ.
Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về chuyện này.
Ông Phạm Lâm (nhà sáng lập, chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần DKRA Việt Nam - DKRA Vietnam):
Nghề không dành cho người tư duy ngắn hạn
Nhiều người vẫn nghĩ công việc môi giới BĐS là đơn giản, ngắn hạn, tức thời... Thực tế, môi giới chuyên nghiệp phải có rất nhiều kiến thức, kỹ năng, nghiêm túc tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp và cả ý chí, tinh thần cũng như niềm đam mê với nghề. Điều quan trọng là nhà môi giới phải khách quan, minh bạch trong quá trình tư vấn.
Hiện nay, các tổ chức môi giới chuyên nghiệp phải tổ chức rất nhiều hoạt động đào tạo, tiếp thị, tư vấn, bán hàng để đảm bảo chất lượng dịch vụ và thỏa mãn nhu cầu của người mua. Ước tính trên thị trường cả nước hiện có hơn 300.000 nhà môi giới quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, số người có chứng chỉ hành nghề và các tổ chức môi giới lớn, chuyên nghiệp, có uy tín và thương hiệu chỉ chiếm khoảng 20%.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 1-3-2022) quy định chi tiết: nhân viên môi giới phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp; thành lập doanh nghiệp theo quy định khi kinh doanh dịch vụ BĐS hoặc buộc có đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định; phải lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS đầy đủ các nội dung chính theo quy định; phải thực hiện chế độ báo cáo...
Các quy định mới đưa ra chế tài khá nặng đối với các cá nhân môi giới vi phạm sẽ góp phần thanh lọc và loại bỏ những môi giới thiếu trách nhiệm... Đây là những bước tiến giúp cho ngành môi giới BĐS tại Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.
Ông N.N.D. (môi giới BĐS khu vực Thủ Đức):
Cần có chế tài môi giới "tay ngang"
Trong giới làm nghề môi giới chúng tôi có người đã có chứng chỉ môi giới, có người chưa. Thực tế công việc có bạn chưa có chứng chỉ còn môi giới tốt, có thu nhập cao hơn những bạn có chứng chỉ.
Những bạn đã có chứng chỉ môi giới làm việc tại các sàn giao dịch chỉ đứng tên cho đủ chứng chỉ của các sàn chứ công việc môi giới hiện tại gần như các bạn nhân viên kinh doanh đã làm hết, từ giới thiệu, tư vấn cho khách hàng đến chốt sale. Ra ngoài làm môi giới tự do thì không ai hỏi chứng chỉ, tùy thuộc vào độ nhanh nhạy, "mát tay" với khách hàng của từng người.
Hiện tại, để vượt qua kỳ thi sát hạch không dễ dàng gì, tốn học phí học các khóa bồi dưỡng kiến thức, căng thẳng thi sát hạch và số lượng qua được kỳ thi cũng không nhiều. Tuy nhiên, khi hành nghề, những người có chứng chỉ hành nghề môi giới có thể bị các chế tài nếu vi phạm, còn môi giới tay ngang thì gần như không bị chế tài...
Người có chứng chỉ hành nghề môi giới đôi khi còn nhát tay hơn các môi giới "tay ngang" bởi nếu làm sai có thể bị xử lý, tước chứng chỉ hành nghề thì coi như công sức sát hạch, bồi dưỡng kiến thức đổ sông đổ bể.
Để "chính quy" hóa nghề môi giới BĐS, tránh bị gọi là "cò", tôi đề xuất Bộ Xây dựng hạ độ khó của đề thi để nhiều bạn được cấp chứng chỉ hơn. Ai làm sai thì có cơ sở để xử phạt.
Pháp luật nên có quy định về xử lý những người làm môi giới "tay ngang". Chính những người làm môi giới không chuyên nghiệp này đã làm rối loạn thị trường, lúc thì đóng vai môi giới, khi thành người mua đi bán lại... khiến xã hội có cái nhìn không thiện cảm về nghề môi giới.
TTO - Việc doanh nghiệp tạo sốt đất ảo để lôi kéo người mua như vừa diễn ra ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) không phải cá biệt.
Xem thêm: mth.1615129120302202-nas-gnod-tab-ioig-iom-col-hnaht/nv.ertiout