“Đầu tư online”, “việc nhẹ lương cao”, “ngồi một chỗ nhận hoa hồng”… đang là những cụm từ phổ biến của các đối tượng dùng thủ đoạn để lừa đảo người dân qua các trang mạng.
Mất hơn 800 triệu vì “đầu tư online”
Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, chị LPLiên (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết đầu tháng 10-2021, thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo chị quen anh NVL. Người này giới thiệu và thể hiện mình là người làm kinh doanh thành đạt, mời chào chị dùng tiền “đầu tư online” tại một trang web để sinh lời cao.
Trang web mà L giới thiệu gửi tiền vào để đầu tư có địa chỉ: http:/6Eh9uLynvtp.com?redirect=1 (trang web này hiện không còn tồn tại nữa).
Sau khi tạo tài khoản “LienLuong” thì chị Liên bắt đầu được tham gia đầu tư, vào “phòng tiếp đón Capella” và nhắn tin với tài khoản “Capella”. Sau đó, tài khoản “Capella” yêu cầu cung cấp thông tin tên đăng nhập, đồng thời yêu cầu chuyển tiền đầu tư vào một tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn. Tiền vào tài khoản chỉ định được quy đổi thành tiền ảo trong ví của trang web.
“Đến bây giờ tôi thật sự không biết mình đã đầu tư cái gì. Tôi chỉ biết lần đầu tôi đầu tư số tiền 2 triệu đồng, được lãi 200.000 đồng. Lần thứ hai đầu tư 8 triệu đồng, được lãi 800.000 đồng. Lần thứ ba đầu tư 20 triệu đồng, được lãi 2 triệu đồng. Đến lần thứ tư, L rủ tôi đầu tư 250 triệu đồng thì hệ thống thông báo tôi được mã khuyến mãi, được tặng 20 triệu đồng. Vậy là trong tài khoản của tôi có 270 triệu đồng.
Ban đầu, tiền ảo trong ví còn rút được tiền lời về tài khoản của mình. Tuy nhiên đến các lần sau, khi số tiền trong ví càng lớn thì trang web này đưa ra đủ lý do để ép người chơi phải nạp thêm tiền mới cho rút tiền. Tới lúc này tôi mới nhận ra mình đang bị lừa. Trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 13-11-2021, tôi đã chuyển tiền đầu tư và đang bị trang web này chiếm đoạt 850 triệu đồng” - chị Liên kể lại.
Một trường hợp khác tương tự là chị CV (Tiền Giang) cho biết: Thông tin từ mạng xã hội Facebook được các đối tượng giới thiệu việc làm là tuyển cộng tác viên quản lý đơn hàng trên một ứng dụng.
Khi có đơn hàng trị giá 300.000 đồng, người chơi phải thanh toán đơn hàng này để nhận 10%-15% hoa hồng. Với đơn hàng 300.000 đồng thì chị V nhận được 30.000 đồng tiền hoa hồng.
“Cứ như thế giá trị đơn hàng ngày càng tăng cao. Có đơn 16 triệu đồng, có đơn 20 triệu đồng… Khi thanh toán đơn hàng giá trị cao, các đối tượng viện ra đủ lý do để yêu cầu người chơi phải bỏ thêm tiền thì mới lấy được tiền đã đầu tư về.
Đến khi nói không muốn đầu tư nữa và lấy tiền về thì các đối tượng chặn Zalo, Facebook. Tổng số tiền mà tôi đã bị lừa là gần 34 triệu đồng” - chị V cho hay.
Nhiều người vì muốn kiếm tiền nhanh nên đã đổ tiền vào “đầu tư online” mà không tìm hiểu kỹ. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Đừng tự biến mình thành con mồi
Ông Nguyễn Quang Thủ, kỹ sư quản trị mạng, khối công nghệ thông tin của một ngân hàng, cho biết hiện nay tội phạm trên môi trường mạng đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò khác nhau.
Con mồi mà các đối tượng hướng đến chính là những người muốn tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập thông qua Internet. Đa số các hình thức lừa đảo đều có điểm chung là dẫn dụ người chơi vào một trang web, app nào đó để đầu tư, sau đó yêu cầu người chơi chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng chỉ định.
Ban đầu, các đối tượng này sẽ cho người chơi ăn tiền để tạo niềm tin. Để rồi sau đó khi mà số tiền đầu tư càng lớn thì lúc này các đối tượng cho người chơi ở vào thế muốn tiếp tục cũng không được mà muốn rút lui cũng không xong. Cuối cùng là các nạn nhân đành chịu mất tiền vì không biết tìm ai để lấy lại.
Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng chia sẻ ông từng gặp nhiều trường hợp bị lừa đảo mất tiền tương tự, rất khó tìm ra kẻ gian để đòi tiền. Do đó, mỗi người dân đừng tự biến mình thành con mồi. Tuyệt đối không tin, không nghe lời dụ dỗ của các đối tượng chào mời từ các trang web, không đăng nhập hoặc thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là việc nạp tiền vào một tài khoản ảo trên mạng xã hội để tránh bị mất tiền oan.
Đã có trường hợp bị khởi tố Ngày 1-11-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã khởi tố bốn người về tội sử dụng mạng vi tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng này là tuyển cộng tác viên tham gia bán hàng trên fanpage “Dioes Luiz Sandri”. Để đánh vào lòng tin của người khác, hai trong bốn đối tượng đã đóng vai khách đặt mua hàng của các cộng tác viên. Khi có đơn hàng, cộng tác viên sẽ liên hệ đặt mua hàng và thanh toán tiền. Quá trình điều tra xác định nhóm này đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người với số tiền khoảng 1,4 tỉ đồng. |