"Chỉ khi dịch bệnh ‘tát’ thẳng vào mặt doanh nghiệp, thì người vận hành phải quyết làm hay không làm", bà Đoàn Thị Bích Ngọc – CEO CANIFA, đồng thời là Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội – chia sẻ tại tọa đàm "Tái tạo – Đổi mới để bứt phá" mới đây.
CANIFA là thương hiệu trực thuộc CTCP Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương. Thành lập năm 1997, Hoàng Dương ban đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang xuất khẩu với các sản phẩm chủ yếu làm từ len và sợi.
Đến năm 2001, Hoàng Dương cho ra đời thương hiệu thời trang CANIFA, hiện là thương hiệu bán lẻ thời trang quen thuộc với nhiều gia đình Việt, với chuỗi 110 cửa hàng trên toàn quốc (theo cập nhật từ website chính thức của CANIFA).
CANIFA có nhân sự đông, mặt bằng lớn – 2 yếu tố chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của một doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ, cũng là thứ ngốn nhiều năng lượng nếu muốn "ngủ" trong mùa đông Covid-19.
Khối R&D có đợt lên 200 người, hiện còn 50% nhân sự, chất lượng công việc không ảnh hưởng
Ảnh minh họa. Nguồn: Canifa.
Khi đại dịch Covid-19 ập tới, khái niệm "ngủ đông" được nhắc đến nhiều. Theo nữ CEO của CANIFA, đằng sau khái niệm "ngủ đông" là việc xoay sở làm sao sử dụng năng lượng ít nhất, tức làm sao chi ra ít nhất trong giai đoạn khủng hoảng.
Với gần 2.000 nhân sự, 2 nhà máy, 110 cửa hàng bán lẻ, sau khi áp dụng nguyên tắc 20 – 80, CANIFA lựa chọn 2 chi phí ảnh hưởng lớn nhất trong tổng chi phí: Nhân sự và Mặt bằng.
Trước đó, tôi rất hào hứng trong việc tạo ra công ăn việc làm, nhưng trong lúc khó khăn, mình phải sống sót đã
Bà Ngọc nhớ lại lời Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse, cũng là thành viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) – cho biết cần tính toán trong thời gian bao lâu tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm, nhưng nhân sự giữ lại bao nhiêu.
"Trước đó, tôi nghĩ chúng ta, trong đó có tôi, rất hào hứng trong việc tạo ra công ăn việc làm, nhưng đầu tiên, đặc biệt trong lúc khó khăn, mình phải sống sót đã. Nếu sử dụng quá nhiều lao động, giá trị tạo ra/người lao động không hiệu quả thì chỉ có thể cố gắng trong một thời gian. Trong 2 năm qua, bài học đầu tiên của tôi là tách ra: Nhân sự nào là cố định, nhân sự nào là thời vụ", bà Ngọc kể.
Từ việc tách bạch đó, chi phí nhân sự cũng tách bạch theo.
Ở thời điểm thuận lợi, đã có những lúc riêng khối R&D (nghiên cứu và phát triển) của CANIFA lên gần 200 người, quy mô như một nhà máy all-in-one, với gần chục người làm riêng nghiên cứu, sau đó tạo ra rất nhiều các sản phẩm thực. Nhưng khi đối diện khó khăn, bắt buộc phải cắt giảm tối đa. Đến thời điểm hiện tại, khối R&D, đặc biệt là khối Kho, rút xuống có khi chỉ còn 50% nhân sự, nhưng chất lượng công việc không ảnh hưởng.
Kết quả: Chi phí nhân sự giảm được 30% trên doanh thu tương ứng so với mức thông thường.
Coi chủ nhà và đối tác cung cấp nguyên vật liệu là "Ngân hàng thứ 2"
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - CEO CANIFA (giữa) tại buổi tọa đàm.
Liên quan đến câu chuyện Mặt bằng, bà Ngọc kể chuyện vui rằng: Trong dịch, cứ ai gọi điện hỏi dạo này thế nào thì tôi trả lời chỉ có ăn và làm công văn.
Hệ thống cho thuê mặt bằng bán lẻ vô cùng đa dạng về sở hữu, hộ gia đình, đại gia đình hoặc Nhà nước, và mỗi sở hữu lại có phong thái làm việc khác nhau, và có những chuyện mà bà Ngọc kể là "cười ra nước mắt". Có chủ nhà bảo: Doanh nghiệp lớn còn có sức mà chịu đựng, chứ chúng tôi chỉ có 1 cửa hàng cho thuê, dù thực tế cửa hàng bị đóng cửa…
"Thực sự công cuộc đàm phán để giảm thiểu được chi phí mặt bằng, chúng tôi phải vô cùng nỗ lực. Một keyword tôi lựa chọn lúc bấy giờ là "đối diện". Trong cuộc chiến ấy, tất cả các cấp lãnh đạo, từ quản lý cao nhất không được phép tắt điện thoại hay được phép phản hồi chậm. Tất cả mọi người phải cùng nhau đối mặt trước khó khăn, cùng nhau đồng hành", bà Ngọc nhớ lại.
"Việc hợp tác với đối tác cho thuê mặt bằng hay chuỗi giá trị - nhà cung cấp nguyên vật liệu hay thành phẩm, xưa được coi là linh hoạt với nhau, thì giờ họ cũng là "Ngân hàng số 2" bên cạnh ngân hàng chính thức".
CEO CANIFA tiết lộ, con số từ đối tác cũng lên tới trăm tỷ đồng. Bà Ngọc cho biết, lúc nào bà cũng phải tự đặt lại câu hỏi: Giờ làm thế này tức là hôm qua làm không tốt sao?
"Cũng có thời mọi người nói tôi sao đi nhiều thế, kể cả anh chị em đi khắp nơi trên thế giới, nhưng tôi nghĩ dù quá khứ như thế nào thì cũng luôn phải cảm ơn. Nếu không đi nhiều, không có gần 200 con người, từ ý tưởng tới thành phẩm trong những giai đoạn như thế thì con người hiện tại không thể thể có công thức, know-how để thụ thưởng. Còn chắc chắn ngày hôm nay làm tốt hơn hôm qua, và ngày mai phải làm tốt hơn ngày hôm nay. Không có gì phải hối hận…", bà Ngọc nói.
"Thực sự đó là những cái chỉ có khi dịch bệnh "tát" thẳng vào mặt doanh nghiệp, thì người vận hành phải quyết làm hay không làm. Mọi người hay hỏi dạo này thế nào? Tôi nói: Vẫn có một nghề thôi - BÁN QUẦN ÁO".
http://tintuc.vdong.vn/03/1255239.htmBảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị