Phiên giao dịch ngày 3/3 vừa qua, các cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng trần, lên 50.100 đồng/cổ phiếu, đánh dấu lần đầu tiên cổ phiếu này trở về mốc giá trên 50.000 đồng sau 4 tháng “ngụp lặn”.
Ngay lập tức, các hội, nhóm trên mạng xã hội gần như 'bùng nổ' vì Hòa Phát. Các bài đăng về cổ phiếu này thu hút từ hàng trăm cho đến hàng nghìn lượt bình luận. Rất nhiều ảnh chế, video chế cũng được sử dụng để góp vui trong ngày mừng HPG “về bờ”.
Ảnh chế. Nguồn: Internet
Ảnh chế. Nguồn: Internet
Video chế cổ phiếu thép. Nguồn: Internet
Vậy, tại sao chỉ 1 phiên tăng trần mà cổ đông Hòa Phát lại mừng rỡ đến vậy?
Thứ nhất, việc cổ phiếu Hòa Phát tăng trần vốn được coi là 'xưa nay hiếm'. Các cổ phiếu bluechips nói chung thường khó tăng trần hơn các cổ phiếu penny và midcap. Nguyên nhân là do lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường nhiều, nên nếu không có thông tin quan trọng thì cung và cầu sẽ trong trạng thái cân bằng.
Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 2013 tới nay (thời điểm HOSE nâng biên độ từ +/-5% lên +/-7%), cổ phiếu của Hòa Phát mới chỉ có 14 lần tăng trần, tính cả phiên ngày 3/3. Tuy nhiên, phần lớn các phiên tăng trần tập trung vào giai đoạn 2013-2015.
Nếu chỉ tính từ năm 2016 đến nay, thì trong 6 năm qua cổ phiếu Hòa Phát chỉ có 6 lần tăng trần, có nghĩa là trung bình mỗi năm, cổ đông của HPG chỉ được ăn mừng tăng trần 1 lần.
Thống kê các lần cổ phiếu HPG tăng trần
Thứ hai, do nhiều nhà đầu tư được 'về bờ'. Từ cuối tháng 11/2021, cổ phiếu của Hòa Phát bắt đầu tụt xuống dưới mốc 50.000 đồng/cổ phiếu và sau đó đi ngang trong khoảng 46.000-48.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó có nghĩa, rất nhiều nhà đầu tư đã mua/bán HPG tại vùng giá này. Những ngày cuối tháng 1/2022, đã có lúc HPG giảm xuống chỉ còn 40.200 đồng/cổ phiếu, khiến nhiều người lỗ nặng.
Với việc tăng trần ngày hôm qua, một lượng không nhỏ nhà đầu tư đã thoát cảnh lỗ và thậm chí bắt đầu có lãi. Đối với những cổ đông mua HPG trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, khi HPG giao dịch trên 50.000 đồng/cổ phiếu, tài khoản chắc chắn vẫn đang âm, nhưng bờ cũng đã gần hơn nhiều so với trước.
Diễn biến giá cổ phiếu Hòa Phát
Thứ ba, đà tăng giá của ngành thép có thể sẽ còn kéo dài. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VCBS, xung đột giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Hiện Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%). Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, giá dầu, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng trở lại. Việc giá thép quay trở lại sẽ giúp các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi, cụ thể là các doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen.
http://tintuc.vdong.vn/03/1255454.htmHà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị