Đã hơn 1 tháng áp dụng giảm thuế VAT từ 10% còn 8% (từ ngày 1/2/2022), người tiêu dùng được hưởng lợi về giá cả. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc trong áp dụng giảm thuế này. Vấn đề nhiều đơn vị gặp khó khăn nhất vẫn là việc xác định thuế suất VAT áp với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Đi siêu thị mua thực phẩm và một số đồ dùng thiết yếu cho gia đình, chị Kim Ngân (Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nhận thấy trong siêu thị liệt kê rõ mặt hàng chịu thuế VAT 8% và mặt hàng vẫn chịu thuế VAT 10%. Tuy nhiên, những mặt hàng đã được giảm thuế được siêu thị thông báo và bày biện riêng cho người tiêu dùng chọn lựa. Dù còn thắc mắc một số mặt hàng vẫn áp dụng thuế VAT cũ nhưng chị Kim Ngân vui vẻ cho biết: "Mình cảm thấy giảm thuế rất có lợi cho người tiêu dùng có thể mua đa dạng các mặt hàng, tiết kiệm phần nào khi mua sắm".
Những mặt hàng đã được giảm thuế được siêu thị thông báo và bày biện riêng cho người tiêu dùng chọn lựa
Còn anh T.G ở TP Thủ Đức cho biết, nơi anh sinh sống vừa qua vẫn thu các khoản phí dịch vụ định kỳ với mức VAT 10%, anh nói thêm: "Một số chung cư khác đã thông báo giảm thuế VAT nhưng chỗ tôi vẫn chưa thấy nói gì. Theo tôi biết, giảm thuế này chỉ ở nơi có xuất hóa đơn thôi, các cửa hàng bán lẻ cũng chưa thấy gì".
Theo khảo sát của PV, hầu hết các cửa hàng kinh doanh bán lẻ, một số quán ăn, cafe và các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đã áp dụng mức VAT 8%, tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm hàng chưa được áp dụng giảm thuế này.
Tại siêu thị Aeon Tân Phú, từ đầu tháng 2, hệ thống siêu thị này đã điều chỉnh giảm thuế với hầu hết các mặt hàng trong danh mục quy định như thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hoá mĩ phẩm, thời trang, hàng gia dụng,… đây là những sản phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này không chỉ xuất phát từ nhà phân phối, bán lẻ, mà còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào. Cả hai phía cùng thực hiện song song mới có thể đưa ra được mức thuế còn 8% đến người tiêu dùng. "Khi có một sự thay đổi từ chính phủ thì đơn vị kinh doanh như chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi chúng tôi có hàng ngàn sản phẩm và hàng ngàn nhà cung cấp. Làm thế nào để triển khai được nhanh chóng và đồng bộ, chúng tôi phải chọn những giải pháp phù hợp nhất để khách hàng dễ nhận diện và đem lại lợi ích cho khách hàng", bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc TTTM Aeon Tân Phú Celadon cho biết.
Việc điều chỉnh VAT phải xuất phát từ nhà phân phối, bán lẻ, và cả đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào
Đại diện siêu thị Coop Mart cho biết, siêu thị này hiện có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT.
Sau một tháng áp dụng, nhiều doanh nghiệp phản ánh họ gặp khó khăn trong việc xác định thuế suất VAT áp với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra; hay khó xác định mã sản phẩm, linh kiện được giảm thuế... Việc này khiến người tiêu dùng khó được thụ hưởng.
Trước vướng mắc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã giao Bộ Tài chính sớm xem xét những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và người dân để có hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo chính sách giảm thuế VAT phát huy hiệu quả trong phục hồi kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ gặp khó khăn trong việc xác định thuế suất VAT áp với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế sẽ có những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, bên ngoài thì người tiêu dùng sẽ giảm được 2% về thuế giá trị gia tăng nhưng bản chất cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều nhận được lợi ích từ chính sách giảm thuế này. Đối với doanh nghiệp, giảm thuế VAT còn có ý nghĩa giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các hàng hoá sản xuất trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58504041140302202-8-ev-tav-euht-maig-ihk-gnut-gnul-noc-peihgn-hnaod-ueihn/et-hnik/nv.vtv