Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt (TPHCM) - xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng đến cả các nước khác ở châu Âu. Khi Nga bị cô lập kinh tế, người dân nước này sẽ gặp khó khăn và khó có thể nghĩ đến chuyện đi du lịch. Du khách Nga và Ukraine là nguồn khách quan trọng của du lịch Việt Nam, do đó sắp tới chúng ta sẽ giảm nguồn khách này.
Ông Trần Văn Bình - một nhà đầu tư du lịch ở Mũi Né có gần 30 năm sống ở châu Âu - cho rằng việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế sẽ gây khó khăn cho các hãng lữ hành Nga chuyên tổ chức đưa du khách từ Nga sang Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Theo ông Bình, mỗi năm có tới 500.000 khách Nga và Ukraine đến Mũi Né (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa). Hiện nhiều tour đưa khách Nga sang Việt Nam đã bị hủy. Thiệt hại lớn nhất là các resort ở Mũi Né, Nha Trang, nơi thường được các hãng lữ hành bao nguyên cả resort.
Du khách Nga ở Mũi Né thời điểm trước dịch bệnh - Ảnh: Anh Tuấn |
Trước tình hình này, ông Trần Văn Tuyên - một nhà đầu tư du lịch ở Mũi Né (đến từ Nga) - cho biết: “Tôi nghĩ, không chỉ các cơ sở đón khách Nga ở Mũi Né, Nha Trang mà bất cứ điểm đón khách châu Âu nào cũng phải chuyển hướng tiếp cận sang nguồn khách tại một thị trường khác. Đa dạng hóa thị trường, chú trọng khách nội địa và quan trọng là phải có sản phẩm du lịch phong phú, chất lượng mới giữ chân được du khách”.
Ông Lê Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Ngọc - phân tích hiện đồng rúp đang xuống đáy, lạm phát tăng cao, việc này làm cho sức mua của người dân Nga giảm mạnh. Các hợp đồng của công ty ông ký kết với các đối tác nước ngoài là bằng USD, vì vậy giá mua tour của khách du lịch Nga sẽ tăng cao. Điều này dẫn tới sự sụt giảm rất lớn khách du lịch khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại. Ngoài ra, giá xăng dầu cũng liên tiếp lập đỉnh, làm tăng giá các gói tour du lịch ở mọi thị trường. Do vậy, lượng khách du lịch sẽ sụt giảm không chỉ ở thị trường Nga, mà còn cả ở các thị trường khác bao gồm châu Âu.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Hà cho hay một số công ty du lịch có thị trường khách Nga lớn sử dụng dịch vụ thanh toán từ các nước EU. Vì vậy, việc Nga bị cấm vận sẽ ít ảnh hưởng tới họ. “Hơn nữa khách Nga và Đông Âu dù lớn, nhưng không phải là tất cả của các điểm du lịch như Mũi Né hay Nha Trang. Trong thời gian vừa rồi, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Mũi Né nói riêng gặp nhiều khó khăn vì mất nguồn khách quốc tế. Chúng tôi đã chủ động kích cầu và đón khách nội địa. Sắp tới đây, chúng tôi vẫn lấy thị trường trong nước làm trọng tâm. Khi Việt Nam mở cửa đón quốc tế, tuy không nhiều, nhưng chúng tôi cũng có cơ hội đón được một lượng khách châu Âu quay trở lại Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường short haul (tức di chuyển dưới năm tiếng bay tới Việt Nam) như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Malaysia... cũng rất tiềm năng, chúng ta nên phát triển thị trường này” - ông Hà chia sẻ.
Mở rộng hoạt động đón khách sang nhiều thị trường khác Mũi Né từng gặp phải sự cố Lanta Tour khi hãng này phá sản bất ngờ, bỏ rơi khách của mình ở Mũi Né (năm 2012), hay xung đột Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2017). Mỗi sự biến động về chính trị hay kinh tế của Nga đều ảnh hưởng đến du lịch Mũi Né vì lượng khách Nga và Ukraine ở điểm đến Mũi Né chiếm khá cao. Nhất là thời điểm các công ty chuyên về khách Nga đã chuẩn bị khi du lịch và hàng không quốc tế đều mở cửa. Có thể nhiều hợp đồng sẽ phải hủy bỏ. Tuy nhiên, tôi tin cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc, nên các doanh nghiệp vẫn giữ liên lạc với các hãng tour của Nga, khi có điều kiện là có thể đón khách châu Âu và khách Nga trở lại ngay. Từ ngày 15/3 Chính phủ sẽ cho mở cửa rộng rãi cho đón khách quốc tế. Có thể thời gian đầu sẽ thiếu vắng thị trường khách Nga, nhưng không ảnh hưởng lớn. Chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động đón khách sang nhiều thị trường khác như Bắc Âu, Úc, châu Á, Trung Quốc và khách nội địa. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận |
Anh Tuấn