Lukoil, một trong những thương hiệu Nga dễ nhận biết nhất tại Mỹ, hôm 3/3 ra tuyên bố kêu gọi một "giải pháp nhanh chóng" đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. "Chúng tôi ủng hộ chấm dứt ngay lập tức xung đột vũ trang và tìm giải pháp thông qua đàm phán cũng như các biện pháp ngoại giao", tuyên bố của Lukoil có đoạn.
Động thái này của Lukoil rất có thể phản ánh mong muốn bảo vệ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của công ty, bao gồm mạng lưới hơn 200 trạm xăng dầu nhượng quyền ở các bang Mỹ như New York, New Jersey.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Mỹ đang hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm các công ty Mỹ mua dầu của Nga và áp đặt biện pháp trừng phạt các công ty năng lượng Nga.
Lukoil được thành lập năm 1991 với tư cách một doanh nghiệp nhà nước và được tư nhân hoá năm 1993. Năm 2000, Lukoil mua lại công ty Mỹ Getty Oil, tạo ra mạng lưới trạm xăng trên khắp nước Mỹ.
Hội đồng thành phố Newark, bang New Jersey, hôm 2/3 đã bỏ phiếu đình chỉ giấy phép kinh doanh của các trạm xăng Lukoil tại địa phương.
Các trạm Lukoil ở Mỹ bán xăng được sản xuất ở nhiều quốc gia, được điều hành theo kiểu nhượng quyền thương mại độc lập và chiếm phần nhỏ hoạt động của Lukoil. Lukoil có các công ty con tại khoảng 30 quốc gia, bao gồm cả những công ty tham gia thăm dò và sản xuất dầu khí ở Azerbaijan, Ai Cập, Colombia và Iraq. Nguồn dự trữ lớn nhất của công ty là ở Nga, đặc biệt ở phía tây Siberia.
Trong thư gửi cổ đông, Lukoil cho biết họ "nỗ lực hết sức để tiếp tục hoạt động ổn định ở tất cả các quốc gia và khu vực hiện diện, hoàn thành sứ mệnh chính là cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho người tiêu dùng trên toàn thế giới".
Các sản phẩm dầu mỏ là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Nga ở Mỹ và châu Âu. Mỹ cùng các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như Anh, Canada, Nhật Bản và một số nước khác đã áp lệnh loạt lệnh trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và đóng cửa không phận với máy bay Nga.
Đến nay, các lệnh trừng phạt chưa nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng, nhưng giới chuyên gia lo ngại Moskva có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu.
Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ chín, Nga tuyên bố đã kiểm soát được Kherson, thành phố chiến lược nằm trên cửa ngõ ra Biển Đen ở phía nam Ukraine và cũng là thành phố lớn đầu tiên nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Điều này giúp Nga có bàn đạp tiến sang phía tây để vào Odessa, thành phố có giá trị chiến lược cao hơn.
Giới chức Ukraine cho hay lực lượng Nga đã nã đạn vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở đông nam nước này, gây ra một đám cháy lớn và làm bùng lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân quy mô lớn.
Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Ukraine sau đó xác nhận đám cháy tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya đã được dập tắt lúc 6h20 (11h20 giờ Hà Nội) và không ghi nhận thương vong nào liên quan đến sự cố. Hiện nồng độ phóng xạ xung quanh nhà máy vẫn được duy trì ở mức bình thường.
Các đơn vị Nga cũng đã bao vây thành phố cảng Maripoul ở đông nam Ukraine. Đây là thành phố lớn thứ hai tỉnh Donetsk và lớn thứ 10 ở Ukraine, giáp biển Azov, nơi đặt nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng.
Nhiều khu vực tại Kharkov, thành phố ở đông bắc Ukraine với 1,5 triệu dân, đã trở thành đống đổ nát sau các đòn pháo kích của Nga.
Phái đoàn Ukraine và Nga đàm phán vòng hai tại Belarus hôm 3/3, nhưng chỉ đạt được thỏa thuận mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường mà không thể nhất trí được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
- Lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng gì tới thế giới?
- Vì sao Ukraine muốn nhanh chóng gia nhập EU?
- Bản ghi nhớ Ukraine ký để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân
- Các mốc lịch sử trong quan hệ Nga - Ukraine
- Tổng thống Ukraine dùng mạng xã hội để đối lại Nga
Huyền Lê (Theo NY Times)