Báo cáo "Lời giải cho cơn khát nhà ở TP HCM" của Savills Việt Nam cho biết, Bình Dương và Đồng Nai đang là hai đô thị vệ tinh chiếm thị phần nhà ở phía Nam trong bối cảnh TP HCM khan hiếm nguồn cung nhiều năm liền.
Năm ngoái, nguồn cung căn hộ sơ cấp của Bình Dương cao hơn Sài Gòn 5% và lượng giao dịch nhiều hơn khoảng 42%. Nguồn cung căn hộ tương lai đến năm 2024 tại Bình Dương ước tính lên đến 48.000 căn, trong đó Thuận An và Dĩ An chiếm đến 83% thị phần.
Giá bán bình quân căn hộ ở Thuận An hiện đạt 40,8 triệu đồng một m2 còn tại Dĩ An là 37 triệu đồng một m2. Nếu lấy giá nhà chung cư tại Dĩ An làm mốc tham chiếu, Bình Dương đang có giá nhà thấp hơn 10% so với giá bán trung bình của căn hộ bình dân tại TP Thủ Đức (41,8 triệu đồng một m2). Trong khi đó, giá thành căn hộ phân khúc bình dân tại Đồng Nai hiện chỉ bằng một nửa so với giá bán chung cư tại Sài Gòn.
Bên cạnh đó, Bình Dương và Đồng Nai cũng có rổ hàng nhà liền thổ vượt trội TP HCM trong năm qua. Nguồn cung nhà liền thổ sơ cấp của Đồng Nai cao hơn khoảng 130% so với TP HCM và nhiều hơn 160% về lượng giao dịch trong năm 2021. Tương tự, Bình Dương cũng có nguồn cung sơ cấp nhà phố cao hơn 23% và lượng giao dịch cao hơn 2% so với TP HCM.
Giai đoạn 2022-2024, các thị trường giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai sẽ tiếp tục bùng nổ nguồn cung bất động sản liền thổ, chiếm thị phần trước đây TP HCM từng không có đối thủ. Dự kiến đến năm 2024, Đồng Nai sẽ cung cấp 17.700 sản phẩm nhà liền thổ, nhiều hơn TP HCM 105%. Bình Dương dự kiến cũng có 7.400 sản phẩm mới.
Ông Troy Griffths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, nguồn cung nhà ở tại TP HCM bị sụt giảm mạnh nhiều năm qua và hạn chế trong năm 2021. Thậm chí theo ông, tình trạng này kéo dài sang năm 2022 khi người dân Sài Gòn chấp nhận di chuyển xa hơn, chuyển sang mua nhà mở rộng sang các tỉnh thành lân cận.
Các nhà phát triển bất động sản tại TP HCM hiện cũng đang mở rộng ra các tỉnh lân cận. Bình Dương tiếp tục là điểm đến tiếp theo cho thị trường căn hộ. Còn đối với thị trường nhà ở liền thổ, Đồng Nai trở thành điểm đến mới.
Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông như tuyến Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến buýt nhanh nối Thành phố mới Bình Dương với TP Thủ Đức và tuyến Metro 3B sẽ góp phần thu hút người mua đến với thị trường vệ tinh này. Tốc độ đô thị hóa tại Bình Dương diễn ra rất nhanh với tỷ lệ đạt 84% vào năm 2020 trong khi con số này tại TP HCM là 79%. Tốc độ gia tăng dân số hàng năm tại Bình Dương trong năm 2020 là 5,06% so với 2,1% tại TP HCM.
Bên cạnh nguồn cầu lớn từ TP HCM dịch chuyển về đô thị vệ tinh, ông Troy Griffths nhận định, lượng lớn người lao động làm việc tại Đồng Nai và Bình Dương cũng là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường nhà ở tại khu vực này.
Năm 2021, có khoảng 615.000 người đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai và gần 500.000 người tại các khu công nghiệp ở Bình Dương. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp tại Bình Dương và Đồng Nai đến cuối năm 2021 lần lượt là 7.016 ha và 6.169 ha. Diễn biến này giúp các tỉnh vệ tinh phía Nam vừa mở rộng thị phần nhà ở cho nguồn cầu nội tỉnh, đồng thời thu hút cả nguồn cầu lân cận và chiếm thị phần nhà ở của TP HCM trong thời gian tới.
Trung Tín