Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trước đó đã cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, khiến cho một bộ phận các thương nhân đầu mối không đủ vốn quay vòng để nhập khẩu thêm xăng dầu khi ngân hàng quy định hạn mức vay.
Sau tháng 3 nguồn cung thế nào?
Với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, Bộ Công Thương "cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3". Khẳng định này được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương nêu tại họp báo Chính phủ, chiều 3.3.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: "Vậy sau tháng 3 thì nguồn cung ra sao, có đủ xăng dầu để phục vụ sản xuất, tiêu dùng và chương trình phục hồi kinh tế của đất nước?".
Một thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối không đủ vốn quay vòng để nhập khẩu thêm xăng dầu khi ngân hàng quy định hạn mức vay.
Theo thương nhân này, doanh nghiệp họ được thông báo cấp hạn mức vay năm 2022 là 2.000 tỉ đồng. Với mức này, trước đây họ nhập được 4-5 chuyến hàng với giá dầu 40-50 USD/thùng, nhưng hiện nay chỉ nhập trọn vẹn được một chuyến 33.000 m3 khi giá lên gấp 2,5 lần.
"Khó khăn dồn dập, nguồn cung xăng dầu sắp tới sẽ còn khó khăn nếu giá thế giới liên tục tăng hàng ngày làm cho giá vốn bán lẻ hàng nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện hành, mà giá bán hiện hành lại không được điều chỉnh", vị này nói và dự báo “sẽ còn tình trạng đóng cửa cây xăng".
Thực tế giá dầu Brent chiều 3.3 đã có thời điểm tăng 6,1%, chạm 119,84 USD một thùng - lên mức cao nhất kể từ tháng 5.2012. Dầu WTI cũng tăng hơn 5%, có thời điểm lên 116,57 USD - cao nhất kể từ tháng 9.2008.
Một thương nhân đầu mối cho biết, giá dầu thế giới từ 1.3 tới nay liên tiếp tăng, có ngày tăng 5-10%, mọi chi phí kéo theo đều tăng. Như vậy, những ngày qua, ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì liên Bộ Công thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Vậy, kịch bản nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước khi giá thế giới ngày một biến động, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn? Trả lời cho câu hỏi này, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu trong quý II.
Trong tổng sản lượng nhập khẩu tăng thêm là 2,4 triệu m3, trong đó lượng xăng nhập khẩu là 840.000m3 và dầu là 1,56 triệu m3. Doanh nghiệp được giao nhập nhiều nhất là Petrolimex với hơn 1 triệu m3, tiếp đến là PVOil với gần 489.000m3.
Việc này đảm bảo nguồn cung kể cả khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng được sản lượng xăng dầu cho thị trường sau tháng 5, thì vẫn có đủ xăng dầu cung ứng cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu người dân.
Có phương án dự phòng nếu doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ
Tuy nhiên, một thương nhân phân phối xăng dầu đặt câu hỏi, điều gì chắc chắn rằng, các thương nhân phân phối sẽ mua được xăng dầu từ các đầu mối cho hệ thống của mình, khi ưu tiên vẫn dành cho hệ thống "ruột" trong bối cảnh khan hàng, giữ "cung" đợi tăng giá. Điều đã diễn ra gần 1 tháng nay.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu - họ đang rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tổng nguồn được giao trong năm 2022 và hạn mức tối thiểu giao thêm.
Theo đó, 10 doanh nghiệp được chọn giao thêm, nhập khẩu bổ sung nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước đã nỗ lực rất nhiều trong khâu đàm phán về giá cả và tìm nguồn cung. Bởi trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới, giá xăng dầu cũng tăng rất nhanh, nguồn cung có sự gián đoạn nhất định sau khi có xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina.
"Về cơ bản có thể khẳng định các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ, để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và chương trình phục hồi kinh tế của đất nước", ông Đông cho hay.
Trả lời câu hỏi, nếu doanh nghiệp đầu mối không hoàn thành nhiệm vụ thì kịch bản cho tình huống xấu nhất như thế nào?, ông Đông nói: "Chúng tôi cũng tính toán các kịch bản, trong đó có tình huống xấu nhất.
Nếu trong số 10 doanh nghiệp này không hoàn thành nhiệm vụ, có những khó khăn thì chúng tôi đã có phương án dự phòng. Thậm chí, giao cho những doanh nghiệp khác (những doanh nghiệp chưa được giao bổ sung-PV) để nhập khẩu xăng dầu".
Xem thêm: odl.3610201-oas-iht-od-uas-3-gnaht-teh-uad-gnax-ud-tek-mac-gnouht-gnoc-ob/et-hnik/nv.gnodoal