Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 tổ chức chiều 4/3, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, đơn vị chịu nhiều áp lực từ phía Trung ương trong việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Hiện 2 lô đất có giá trị lớn nhất tại buổi đấu giá đã xin điều chỉnh kết quả (xin bỏ cọc). Đó là lô đất 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng thầu với giá 24.500 tỷ đồng. Và lô đất 3-9 của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh trúng với giá hơn 5.000 tỷ.
Đối với 2 lô đất còn lại có giá trị trên 8.000 tỷ đồng được Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đấu thành công, hiện vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định ban đầu. Cục Thuế đang áp dụng nhiều giải pháp để xử lý. Trong vấn đề này, thành phố cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm thực thi kết quả của cuộc đấu giá.
Đối với biện pháp xử lý, Cục Thuế TP HCM sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, ban, ngành đôn đốc các doanh nghiệp, gửi thư nhắc nhở nếu việc trễ hẹn dưới 90 ngày. Trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày, các biện pháp cưỡng chế sẽ được thực hiện. "Các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án", ông Minh phân tích.
Tại hội nghị bàn tròn "Bài học rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế" diễn ra ngày 23/2, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng, những thiệt hại của TP HCM sau việc bỏ cọc không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính mà còn là những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Viện nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất UBND thành phố xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá. Viện cũng đề xuất nên cho phép thành phố bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm tham gia đấu giá, năng lực điều hành, báo cáo tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, các đề xuất cũng nhắm đến gói giải pháp điều chỉnh biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.
Trước đó, đầu tháng 2, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM). Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Hồi tháng 1, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã rút lui khỏi lô đất 3-12 - lô đất có giá trúng cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm, trung bình mỗi m2 lên tới 2,45 tỷ đồng.
Hữu Công - Trung Tín