Thị trưởng New York Eric Adams trong buổi họp báo ngày 4-3 tuyên bố dỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở trường học cũng như chứng minh tình trạng tiêm chủng. Ông nhấn mạnh đã tới lúc New York mở cửa - Ảnh: REUTERS
Theo trang thống kê worldometers.info, số người tử vong vì COVID-19 tính trên toàn thế giới đã vượt mốc 6 triệu người vào cuối ngày 4-3 (giờ Việt Nam).
Theo worldometers.info, cả thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 443 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 376 triệu người được xác nhận khỏi bệnh.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 80,8 triệu ca mắc và 981.729 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với gần 43 triệu ca nhưng đứng thứ 3 về số ca tử vong, sau Brazil với hơn 650.000 người chết.
Số liệu công bố ngày 4-3 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy hiện có khoảng 93% dân số Mỹ sống ở các khu vực có tỉ lệ mắc COVID-19 ở mức thấp.
Điều này đồng nghĩa chính quyền không cần yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong không gian khép kín.
Theo CDC Mỹ, khoảng 85,4% trong số các hạt tại Mỹ ghi nhận nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình hoặc thấp và gần 93% dân số nước này sinh sống tại những khu vực như vậy. Số liệu trên đã tăng so với con số công bố hồi tuần trước lần lượt là 70% và 72%.
Biến thể Omicron và chủng phụ của nó đang đẩy số ca nhiễm mới tại nhiều nước tăng vọt.
Trong ngày 4-3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 260.000 người/ngày. Bất chấp số ca mắc tăng từng ngày, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các doanh nghiệp thuộc 12 lĩnh vực, trong đó bao gồm các nhà hàng và quán cà phê.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Jeon Hae Cheol giải thích việc kéo dài thời gian nhằm giúp doanh nghiệp trụ vững trong dịch. Theo ông Jeon, dù chính phủ đã trợ cấp phần nào và các quy định giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Kệ hàng tại một siêu thị ở Hong Kong trống trơn trong bức ảnh ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS
Tại Hong Kong (Trung Quốc), người dân đang thất vọng và đổ xô đi mua thuốc men, thực phẩm tích trữ do lo lắng thành phố sắp phong tỏa. Hai trong số các chuỗi bán lẻ tiêu dùng lớn nhất của Hong Kong đã bắt đầu chia nhỏ một số mặt hàng thực phẩm và thuốc để hạn chế tình trạng mua hoảng loạn.
Một khảo sát trên 152.000 người đã từng mắc COVID-19 ở Đan Mạch cho thấy gần 1/3 trong số này gặp phải ít nhất 1 triệu chứng liên tục trong vòng 6 - 12 tháng sau khi dương tính.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Huyết thanh nhà nước (SSI) của Đan Mạch cho biết điểm mới của công trình này là họ đã theo dõi lâu hơn và tính luôn cả những người mắc COVID-19 chưa nhập viện.
Các triệu chứng dài hạn thường thấy nhất là thay đổi khứu giác và vị giác, mệt mỏi. Nghiên cứu cho thấy lo âu và trầm cảm cũng phổ biến hơn ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2. Hiện nghiên cứu này đang trong giai đoạn chờ bình duyệt, theo Reuters.
Một số tin khác liên quan COVID-19:
* Chính quyền Nam Phi xác nhận nước này có thể phải tiêu hủy 100.000 liều vắc xin Pfizer do đã hết hạn sử dụng và người dân nước này e ngại tiêm.
* Cũng liên quan đến châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo chiến sự tại Ukraine sẽ chưa có tác động tức thì đến việc cung cấp vắc xin COVID-19 cho khu vực này. Theo WHO, vắc xin Sputnik-V của Nga chỉ chiếm số lượng nhỏ trong số vắc xin chuyển cho châu Phi.
TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tâm thần, với các trường hợp lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng hơn 25%. Mỹ công bố chiến lược sống trong bình thường mới.
Xem thêm: mth.70835325050302202-paht-oc-yugn-gnuv-o-gnos-ym-nad-39-3-5-ioig-eht-91-divoc/nv.ertiout