vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh

2022-03-05 09:40

Trước tình hình hàng Việt Nam bị ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc sau Tết Nguyên đán, do phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát, phòng chống COVID-19, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (BQL) đã trao đổi, hội đàm với phía Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ.

Từ kết quả trao đổi này, ngày 25-2, BQL đã công bố Quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089, cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) – Bò Chài (Trung Quốc).

Quy trình 5 bước

Quy trình này gồm 5 bước, trong đó, lái xe đường dài chở hàng xuất khẩu trước khi vào bãi Bảo Nguyên phải tập kết tại bãi chờ thuộc khu phi thuế quan (cách bãi Bảo Nguyên khoảng 3 km) để thực hiện phòng chống dịch COVID-19. Sau đó thực hiện thủ tục kê khai hàng hóa tại bến xe Công ty CP Thương mại vận tải Bảo Nguyên bên đất Việt Nam.

Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh - ảnh 1
Khu vực cắt cont tại bãi Bảo Nguyên. Ảnh: BẮC NINH

Tại đây, container hàng được chuyển sang đầu kéo của Bảo Nguyên và lái xe chuyên trách của doanh nghiệp này điều khiển qua Km0 tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp quản, kiểm tra y tế, kiểm dịch, làm thủ tục biên phòng theo quy định của mình, rồi cắt container hàng từ xe của Bảo Nguyên để chuyển cho xe đầu kéo Trung Quốc chở đi làm các thủ tục thông quan, vận chuyển, giao nhận cho bạn hàng bên đó…

Doanh nghiệp phản ứng

Quy trình này được áp dụng thí điểm từ ngày 26-2, tuy nhiên đang gặp nhiều phản ứng từ các chủ hàng, doanh nghiệp logistic Việt Nam.

Bày tỏ với PLO, ngày 3-3, một chủ hàng đang có 50 xe container dưa hấu nằm chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh nói: "Xe dưa hấu của chúng tôi cũng là xe đầu kéo, nhưng không được dùng mà phải cắt cont dùng dịch vụ đầu kéo của Bảo Nguyên với chi phí 3,8 triệu đồng. Sang đến Trung Quốc lại tiếp tục phải trả thêm chi phí 2.500 nhân dân tệ nữa.

Với hai lần đổi đầu xe, chi phí của doanh nghiệp bị đội lên khoảng 15 triệu đồng/xe. Tôi có 50 xe là bị đội lên 800 triệu đồng, như thế thì chúng tôi làm sao sống nổi".

Một chủ hàng khác đang có 8 xe thanh long đang mòn mỏi chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh đánh giá: "Đầu kéo của Bảo Nguyên thì cũng là xe thuê lại, đâu khác gì của chúng tôi. Vậy mà phải cắt cont, đổi xe, với chi phí 3,8 triệu đồng cho quãng đường chỉ dài khoảng 1km là quá không hợp lý ".

Kết quả từ một cuộc hội đàm

Tại sao BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng lại ban hành một quy trình như vậy?

PLO đã liên hệ với lãnh đạo đơn vị này nhưng chưa được phản hồi. Tuy nhiên, một tài liệu mà phóng viên tiếp cận được từ BQL cho thấy dường như quy trình này được xây dựng trên cơ sở kết quả hội đàm trực tuyến ngày 18-2 giữa BQL với đoàn công tác của Bằng Tường, Trung Quốc.

Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh - ảnh 2
Một mooc rào chở tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam bị sập tại bãi Bảo Nguyên do nhân viên cắt mooc không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Ảnh: DNCC

Báo cáo ngày 19-2 của BQL gửi UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy, trong cuộc hội đàm này, phía Bằng Tường chỉ đề nghị lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển phương tiện chở hàng qua Km0 tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.

Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra y tế, kiểm dịch và thủ tục của cơ quan biên phòng Trung Quốc, điều khiển phương tiện đến Trung tâm quản lý giám sát hàng hóa Bằng Tường để thực hiện cắt, tháo mooc hàng.

Việc thực hiện tháo mooc container do nhân viên Trung Quốc thực hiện. Sau đó lái xe chuyên trách Việt Nam lái đầu xe trở về Việt Nam. Khi xác nhận trong khu vực không còn lái xe chuyên trách Việt Nam, xe đầu kéo Trung Quốc cùng tài xế chuyên trách của họ đến kéo mooc hàng về bên mình làm các thủ tục và vận chuyển hàng về Trung Quốc.

Về giải pháp, phía Bằng Tường chỉ đề nghị một số nội dung nhằm đẩy nhanh tốc độ giao – nhận, như: Tăng thiết bị gắp, cẩu conitainer, bố trí thêm nhân viên phụ trách, được quản lý khép kín, xét nghiệm COVID-19 hàng ngày. Nhân viên hai nước không đồng thời xuất hiện tại khu vực đệm. Phía Việt Nam phải tăng cường quản lý lái xe chuyên trách, cách ly tập trung, mỗi khi nhập cảnh Trung Quốc phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ, thực hiện xét nghiệm COVID-19 hàng ngày và thông báo kết quả cho Bằng Tường. Khi lái xe sang đất Trung Quốc thì không mở cửa, kéo kính xe.

Theo tài liệu này, trong quá trình hội đàm trực tuyến, phía Trung Quốc liên tục dùng khái niệm “lái xe chuyên trách”, không lần nào yêu cầu “xe đầu kéo chuyên trách”. Ngoài ra, quy trình cắt mocc chở container cũng như gắp, cẩu container chỉ được nêu một lần duy nhất.

Điều này cũng trùng khớp với một nội dung tiếng Trung Quốc, được dịch sang tiếng Việt mà một chủ hàng Việt Nam cho hay đã thu thập được từ phía đối tác làm ăn bên kia biên giới. Lời văn cho thấy đây dường như là ý kiến của phía đoàn công tác Bằng Tường khi trao đổi với phía Việt Nam, trong đó họ chỉ đề cập một lần cắt mooc, chuyển container duy nhất.

Phía Lạng Sơn hiểu lầm?

Các thông tin nêu trên đang gợi ý rằng việc BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng yêu cầu các chủ hàng sử dụng lái xe chuyên trách của Công ty Bảo Nguyên có thể là hợp lý, nhưng thêm thủ tục cắt mooc, cắt container để chủ hàng Việt Nam phải thuê cả xe đầu kéo của Bảo Nguyên là vượt ra khỏi yêu cầu của phía cơ quan chức năng Bằng Tường, Trung Quốc.

Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh - ảnh 3
Tốc độ thông quan vẫn rất chậm. Ảnh: BẮC NINH

Quy trình này không chỉ áp dụng với việc xuất mà cả nhập hàng từ Trung Quốc. Thêm thủ tục là thêm dịch vụ. Điều đó không chỉ gây thêm tốn kém không cần thiết cho việc thông thương giữa hai nước, mà còn làm kéo dài thời gian thao tác, gây thêm chậm trễ, ách tắc cho việc thông qua hàng hóa.

Trao đổi với PLO, một cán bộ Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay đã nghe nhiều chủ hàng, lái xe kêu trời mấy ngày nay về sự việc này. Và như quan sát của anh, quy trình mới khiến cho việc thông quan hàng hóa, nhất là việc xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc chậm đi nhiều so với trước.

Các con số thống kê cũng cho thấy tình cảnh bi đát ấy: Tính đến 20 giờ ngày 1-3, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.493 xe, phần lớn là xe chở hoa quả. Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị là 883 xe, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh là 583 xe.

Trong ngày 1-3, số phương tiện xuất khẩu/nhập khẩu được tại cửa khẩu phụ Tân Thanh là 46/39 xe, tại cửa khẩu Hữu Nghị là 2/339 xe. Mới nhất là ngày 4-3, cửa khẩu Tân Thanh chỉ làm thủ tục xuất được 30 xe, chủ yếu là hoa quả.

Tốc độ này là rất chậm so với mục tiêu mà hội đàm hai địa phương biên giới Việt – Trung đề ra: Thông quan 150-200 xe tại cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài. Không chỉ vậy, rất nhiều container hoa quả Việt Nam sẽ phải vứt bỏ do hư hỏng trong những ngày dài chờ đợi này.

Báo Pháp Luật TP HCM liên hệ, nêu vấn đề với ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhưng chưa được hồi đáp. Tuy nhiên, tiếp tục nêu vấn đề với Văn phòng UBND tỉnh thì sau đó được thông tin lại là Phó Chủ tịch Đoàn Thu Hà, người phụ trách chỉ đạo công tác này, đã tiếp nhận thông tin và yêu cầu BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng chủ trì cung cấp thông tin cho phóng viên.

Xem thêm: lmth.0866401-hnit-auc-hnid-yuq-nav-naht-peihgn-hnaod-nos-gnal-o-gnah-uahk-taux/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất khẩu hàng ở Lạng Sơn, doanh nghiệp than vãn quy định của tỉnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools