Cơ hội của giao thông công cộng
Với 5 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022, giá xăng, dầu đã chạm mốc kỷ lục trong vòng 8 năm vừa qua.
Việc nhiên liệu tăng giá phi mã đã tác động sâu rộng đến thị trường và sức khỏe của nền kinh tế trong đó có cả thói quen sử dụng các phương tiện giao thông của người dân.
Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh năm 1996), đi làm ở quận Cầu Giấy cho biết: “Nhà tôi ở Hà Đông, trước kia bản thân tôi rất ít quan tâm đến lựa chọn phương tiện để đi lại. Tôi ưu tiên sử dụng xe máy vì sự linh hoạt và nhanh chóng trong di chuyển. Hằng ngày tôi cứ lên xe máy, đổ xăng và đi. Đơn giản là vì giá xăng dầu còn rẻ”.
Nhưng nay đối diện với một thực tế khác, xăng liên tục tăng cao buộc Nhung phải tính toán lại chi phí di chuyển. “Nếu cứ đi xe máy thoải mái như trước, thì chi phí chi cho tiền xăng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu chung của tôi. Tôi đang cân nhắc sẽ di chuyển đến cơ quan hằng xe buýt vì cũng tiện đường, tiện chuyến, như thế vừa đảm bảo an toàn lại tiết kiệm chi phí” – Nhung chia sẻ.
Đứng chờ xe buýt sáng sớm tại bến xe Nhổn, cô Nguyễn Thị Huyền (54 tuổi, Hà Nội) bộc bạch: “Thời điểm trước khi có dịch tôi vẫn chạy xe máy đều đều đi bán hàng. Gần đây xăng tăng quá, Covid-19 khiến tôi nghỉ khá lâu, chân thì đau kiếm tiền chẳng đủ nuôi xe, giờ không chọn xe buýt thì còn cách nào tiết kiệm hơn.”
Bạn trẻ Nguyễn Hồng Dung chia sẻ: “Em là sinh viên nên thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện để đi lại. Dù gia đình mới mua xe máy để phục vụ cho việc đi lại của em nhưng thời gian gần đây em vẫn dùng xe buýt phần bởi vì em chưa quen với đường xá ở Hà Nội, phần bởi vì thời gian gần đây giá xăng tăng mạnh nên việc sử dụng xe máy sẽ tốn kém hơn”.
Với hơn trăm tuyến xe chạy nội và ngoại thành, xe buýt vốn đã trở thành phương tiện thiết yếu của nhiều người. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, xe buýt càng phát huy được lợi thế về chi phí của mình để thu hút nhu cầu đi lại của nười dân.
Bên cạnh đó, thời gian qua, người dân Thủ đô cũng có thêm sự lựa chọn đối với các phương tiện giao thông công cộng kể từ khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào sử dụng.
Đón tàu ở ga Cát Linh, anh Tạ Đăng Yên (25 tuổi, Hà Nội) chia rẻ rằng: “Nhà tôi cách trung tâm thành phố 30km, mỗi lần di chuyển bằng xe máy để đi làm đều rất tốn kém, trung bình một tuần 150.000đ tiền xăng xe chưa kể lúc hỏng hóc. Đợt này xăng tăng chóng mặt khiến tôi chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu chi phí, tuy nhiên mất nhiều chặng dừng và đi lại có bất tiện hơn.”
Lợi ích lâu dài, khó khăn trước mắt
Từ góc nhìn của người có nhiều năm theo dõi giao thông Thủ đô, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng: “Hai năm trở lại đây không chỉ có phương tiện công cộng nói riêng mà tất cả ngành vận tải nói chung đều gặp khó khăn. Phương tiện công cộng đang cần tận dụng lợi thế của mình, đường thông hè thoáng nhưng vẫn chỉ chiếm 30-40%, vì vậy chưa thể thay thế được phương tiện cá nhân.”
Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra rằng hiện nay chưa đủ tuyến xe bám sát được lộ trình của người dân, nhưng cũng đang dần hoàn thiện để theo kế hoạch 2025 không còn xe máy vào nội đô.
Chia sẻ của chuyên gia giao thông Phan Lê Bình: “Giá xăng tăng khiến bộ phận người dân phải cân nhắc chuyển giao từ phương tiện cá nhân sang công cộng, tuy nhiên không thể lạc quan về vấn đề này. Để giữ được chi phí thấp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phải chi từ 500-2000 tỷ đồng hỗ trợ giao thông vận tải, giá nhiên liệu chiếm đến 30% tổng chi phí vận tải.
Để thực hiện được mục tiêu không còn xe máy vào nội đô nên lùi về khoảng 2030 để người dân, đặc biệt là người lao động có thời gian chuẩn bị.”
Tuy nhiên ông Bình cũng nhấn mạnh giá xăng tăng không phải là cơ hội mãi mãi, mà là việc hướng đến thay thế bằng năng lượng sạch. Đặc biệt khi ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, việc ô nhiễm đô thị đe dọa mạnh mẽ đến sức khỏe con người. Tàu điện và xe bus càng nhanh phủ khắp sẽ càng tạo niềm tin và ủng hộ của người dân.
Do đó, để người dân có thể tin dùng tàu điện trong thời gian tới, nên tận dụng phần mặt đất ga tàu kết hợp bến xe bus để đón khách tránh tình trạng khách phải chờ quá lâu và đi bộ quá xa. Hơn nữa tạo tuyến đi bộ vỉa hè an toàn cho người dân, có đi bộ an tâm người dân mới nghĩ đến đi tàu điện.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT cho biết: “Để tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, cần có thời gian, chi phí và mạng lưới vận tải rộng lớn. Chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng là xu thế tất yếu của đô thị nhưng không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thành. Hồi đầu sử dụng miễn phí thì người dân hết sức ủng hộ nhưng đó chỉ là trải nghiệm, tàu điện vẫn chưa đủ tiện lợi đối với người mưu sinh tại thủ đô.”
Nguyễn Thùy Dung