Tại sao giới siêu giàu của Nga lại bị trừng phạt?
Chính phủ các nước này cáo buộc những đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt đã trục lợi từ mối quan hệ thân thiết của họ với Tổng thống Nga Putin và coi việc đây như một cách để gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Lệnh trừng phạt đã khiến nhiều doanh nhân của Nga trở thành những cá nhân được theo dõi chặt chẽ nhất trên thế giới.
Mỹ ngày 3/3 đã công bố vòng trừng phạt mới nhắm vào các nhà tài phiệt Nga và những thành viên trong gia đình của họ. Vòng trừng phạt này bao gồm “các biện pháp ngăn chặn hoàn toàn" đối với ít nhất 8 nhân vật trong giới tinh hoa của Nga, 19 nhà tài phiệt Nga, cùng các thành viên trong gia đình và cộng sự của họ. Chưa đầy 1 giờ sau, Anh đã công bố lệnh trừng phạt riêng rẽ đối với 2 tỷ phú Nga là Alisher Usmanov và Igor Shuvalov, được cho là nắm giữ tổng tài sản trị giá 19 tỷ USD.
Trước đó hôm 2/3 Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã công bố chi tiết về việc thành lập lực lượng đặc nhiệm "KleptoCapture", nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng, hạn chế xuất khẩu, đồng thời thu giữ những loại tài sản xa xỉ.
Chính quyền Tổng thống Biden cáo buộc các nhà tài phiệt Nga đã cung cấp nguồn lực để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin tại Ukraine. Nhiều người trong số này đã từng phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Các lệnh trừng phạt có tác động ra sao?
Theo CNBC, các tỷ phú hàng đầu của Nga đã mất hơn 80 tỷ USD giá trị tài sản trong những tuần gần đây khi các lệnh trừng phạt và tịch thu tài sản bắt đầu có hiệu lực. Con số này dự tính có thể cao hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Bloomberg, tình trạng bất ổn kinh tế liên quan đến chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Putin đã làm bốc hơi 1/3 tài sản của 20 tỷ phú giàu nhất nước Nga trong những ngày qua. Tác động của các lệnh trừng phạt đối với giới tài phiệt, sự suy giảm của đồng rúp và nền kinh tế Nga, cũng như khủng hoảng tài chính trên toàn cầu đã khiến giới siêu giàu tại nước này lao đao.
Các chuyên gia Nga cho rằng, những tác động về tài chính có thể chỉ mới bắt đầu. Theo Bloomberg, tài sản của tỷ phú Usmanov đã giảm 1,7 tỷ USD xuống còn 19,5 tỷ USD. Ông Usmanov bị EU áp đặt trừng phạt hôm 28/2 và có thể nằm trong danh sách trừng phạt sắp tới của Mỹ.
Người giàu nhất nước Nga Vladimir Potanin, dù không nằm trong danh sách trừng phạt nhưng cũng bị giảm gần 1/4 khối tài sản, xuống còn 25 tỷ USD. Nhiều tỷ phú khác thì chứng kiến số tài sản giảm đi một nửa. Người bị thiệt hại nặng nề nhất là tỷ phú Gennady Timchenko, hiện đang kiểm soát tập đoàn Volga Group. Số tài sản của ông đã giảm từ 22 tỷ USD xuống còn 11 tỷ USD. Trong khi đó tài sản của ông Leonid Mikhelson, Giám đốc điều hành của công ty khí đốt Nga Novatek cũng bị giảm 10,5 tỷ USD xuống còn 22 tỷ USD. Theo Forbes, ít nhất 12 người Nga đã bị loại khỏi danh sách tỷ phú trong những tuần gần đây.
Biện pháp này có thực sự hiệu quả?
Các chuyên gia cho rằng, việc thực thi biện pháp trừng phạt đối với giới tài phiệt khó có thể diễn ra nhanh chóng hoặc dễ dàng. Bởi nhiều người đã che giấu tài sản của họ thông qua các công ty vỏ bọc hoặc những nhân vật thân cận.
Phát biểu với CNN, ông Alison Jimenez – Giám đốc công ty tư vấn luật Dynamic Securities Analytics cho biết: “Nếu bạn là một nhà tài phiệt người Nga và đang lênh đên trên du thuyền ở Ấn Độ Dương thì hầu hết tài sản của bạn sẽ không mang tên bạn. Bạn sẽ có những công ty bình phong hoặc những người khác đứng tên thay cho bạn”. Điều này có thể khiến một số biện pháp trừng phạt của phương Tây bị giảm tác dụng.
“Anh có thể tịch thu thuyền, máy bay của họ. Nhưng họ vẫn cất giữ tiền ở nhiều nơi khác trên thế giới. Nếu anh thu giữ được 70% trong số đó, họ vẫn sẽ giàu có hơn nhiều người khác trên thế giới”, ông Alison Jimenez nói
Một số người đang cố gắng né trách các biện pháp trừng phạt bằng cách chuyển tài sản của họ vào những vùng lãnh thổ không áp dụng biện pháp trừng phạt để tránh bị tịch thu hoặc đóng băng tài sản. Theo CNBC, hồi đầu tuần này, ít nhất 4 siêu du thuyền của các tỷ phú Nga đã được phát hiện đang di chuyển tới Montenegro và Maldives. Maldives là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ và vì thế quốc gia này có thể sớm được coi là “thiên đường của giới tài phiệt”.
Dù chưa thể đánh giá rõ liệu các biện pháp trừng phạt có giúp phương Tây đạt được mục đích hay không nhưng giới phân tích cho rằng, chúng vẫn tạo ra những tác động về tâm lý và tài chính.
Trong bài viết đăng tải trên mạng xã hội, tỷ phú Nga Oleg Deripaska – “ông trùm” về vật liệu thô, 54 tuổi, trước đây từng bị Mỹ trừng phạt, cho rằng “Hòa bình là điều rất quan trọng. Các bên cần phải bắt đầu đàm phán trong thời gian sớm nhất”. Còn hai nhà tài phiệt nổi tiếng là Mikhail Fridman và Oleg Deripaska, cũng kêu gọi chấm dứt giao tranh tại Ukraine/.
Xem thêm: nhc.93073558050302202-agn-teihp-iat-ioig-oav-mahn-ihk-yat-gnouhp-auc-naot-hnit/nv.fefac