Các ngành nông nghiệp và công thương đang xây dựng các trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu bền vững.
Thị trường đã thay đổi rất lớn
Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, người sản xuất và các doanh nghiệp nông nghiệp cần thay đổi, nâng cao chất lượng để đáp ứng.
Từ nhiều năm nay, thị trường Trung Quốc liên tục nâng cao các hàng rào kỹ thuật, đòi hỏi rất khắt khe về mã vùng trồng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng xuất khẩu sang Trung Quốc dễ dàng như trước.
“Thị trường Trung Quốc có những đòi hỏi rất khắt khe, tiêu chuẩn cao không kém gì tiêu chuẩn của thị trường Châu Âu (EU) nên quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính là rất sai lầm” – doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, mặc dù thị trường nhập khẩu nông sản trên thế giới đòi hỏi ngày càng cao, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa rất thờ ơ với những thông tin thị trường.
Tình trạng một số xe nông sản, trái cây tại cửa khẩu biên giới bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm là minh chứng cho sự thờ ơ, kém hiểu biết thị trường của một số doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản.
Thực tế không thể phủ nhận là trước khi áp dụng các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vào nội địa, phía Trung Quốc đều có thông báo cho các đối tác ở Việt Nam, chứ không phải bất ngờ áp dụng khiến doanh nghiệp bị động.
Sở dĩ xảy ra những trục trặc trong xuất khẩu, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là do một số doanh nghiệp “đang dễ dãi với chính mình”.
“Tôi phát hiện, vấn đề của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nói.
Mạnh dạn “làm lại từ đầu”, cơ cấu lại hoạt động thương mại
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương tổ chức lại tất cả các khâu: Từ sản xuất đến ngành hàng và tổ chức lại thị trường. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu. Đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi, khi các doanh nghiệp đang "giằng xé” lợi ích của xuất khẩu tiểu ngạch hay đường biên lối mở gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu chính ngạch.
“Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn. Phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Bộ NNPTNT đã ký trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đồng ý cho Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Trung tâm này do tỉnh Quảng Ninh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Được biết, sau tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lạng Sơn sẽ là tỉnh thứ 2 thực hiện mô hình trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Tại các trung tâm kết nối nông sản, các đối tác của Trung Quốc có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang để kiểm dịch hàng hóa. Như vậy, hàng hóa, nông sản được kiểm tra một lần ở nước ta rồi xe hàng có thể chạy thẳng vào nội địa nước bạn, tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.
Các tỉnh cũng đẩy mạnh giải pháp sơ chế, đóng gói, tạm trữ một thời gian trong trường hợp xảy ra tình trạng ùn ứ, không để nông sản nằm ở container vì nguy cơ thối hỏng, rủi ro rất cao. Các trung tâm kết nối nông sản cũng chính là "vùng xanh" để nông sản của Việt Nam chứng minh đảm bảo tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía Trung Quốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ đã nêu rõ cần xây dựng Trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ cho các vùng lân cận của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. Bộ NNPTNT cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỉ trọng cao của cả nước và có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Xem thêm: odl.8540201-tohc-neht-al-gnoul-tahc-gnuv-neb-nas-gnon-uahk-taux-ed-ial-uac-oc/et-hnik/nv.gnodoal