Các thiết bị tại một cơ sở quân sự bên ngoài Mariupol, Ukraine bị phá hủy - Ảnh: AP
Ngày 5-3 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 2.119 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Thiếu tướng Konashenkov nêu rõ trong số các cơ sở bị phá hủy, có 74 sở chỉ huy và trung tâm liên lạc của các lực lượng vũ trang Ukraine, 108 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk-M1 và Osa, cũng như 68 trạm radar.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang Nga còn phá hủy 69 máy bay trên mặt đất và 21 máy bay trên không, 748 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 76 hệ thống tên lửa, 274 pháo dã chiến và súng cối, 532 đơn vị xe quân sự đặc chủng, cũng như 59 phương tiện bay không người lái.
Ông Alexey Polishchuk - vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga - cảnh báo nguy cơ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Polishchuk nhấn mạnh việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine "tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được", có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và liên minh quân sự này.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo các nước thành viên NATO về việc đưa lính đánh thuê đến Ukraine, cho rằng hành động này có thể là "đồng phạm gây tội ác chiến tranh".
Trong khi đó, Công ty vũ khí AMMO, có trụ sở tại bang Arizona của Mỹ, ngày 5-3 thông báo sẽ gửi lô hàng gồm 1 triệu viên đạn tới Kiev. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, giám đốc điều hành AMMO Fred Wagenhals cho biết công ty đang chờ Chính phủ Mỹ phê duyệt lô hàng 1 triệu viên đạn, trị giá 700.000 USD này, đồng thời chuẩn bị sẵn máy bay riêng để giao hàng.
Tổng thống Putin: Chưa cần ban bố tình trạng khẩn cấp tại Nga
Tân Hoa xã dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-3 cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch và lịch trình.
Đề cập làn sóng trừng phạt mới của phương Tây, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp này giống như "một sự tuyên chiến". Ông nói chưa cần ban bố tình trạng khẩn cấp tại Nga, đồng thời nêu rõ việc triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt là "một quyết định khó khăn", song rõ ràng có "những mối đe dọa thực sự" đối với Nga.
Trong bối cảnh Nga đề nghị phi quân sự hóa Ukraine, ông Putin cho rằng có nhiều lựa chọn khác nhau trên bàn đàm phán với Kiev.
TTO - Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã nối lại 'hành động tiến công' tại Ukraine. Trong khi đó một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và liên minh quân sự này.