Theo New York Post, hầu như mọi sản phẩm của Apple trên trang thương mại điện tử nổi tiếng của Nga - Yandex đều được bán với giá cao ngất ngưởng vào thứ Tư (2/3), khi người Nga chạy đua để mua thiết bị trước khi chúng hết sạch hàng.
Mỗi chiếc iPhone ở Nga tăng từ 10.000-20.000 Rup (2-4 triệu đồng). Trong khi một chiếc iPad 64GB được bán tại Mỹ với giá 329 USD thì người Nga phải bỏ ra số tiền tương đương với 1.450 USD để sở hữu được nó.
Người Nga đã trả 562.000 Rúp, khoảng 5.200 USD (hơn 117 triệu đồng) cho mẫu Macbook Pro 14,2 inch. Trong khi đó, tại Mỹ thiết bị tương tự chỉ được bán với giá chỉ 2.000 USD.
Với iPhone 13 256GB tại Mỹ đang có giá khoảng 900 USD, thì ở Nga giá của nó đã đạt mốc 1.500 USD. iPhone 13 mini được bán với giá 700 USD ở Mỹ trong khi ở Nga giá của nó là 1.100 USD.
Các phụ kiện của Apple cũng được bán với giá cao ngất ngưởng. Apple Watch Series 7 được bán với giá 600 USD ở Nga, cao hơn khoảng 200 USD so với giá bán tại Mỹ. Trong khi gói 4 chiếc AirTags được bán tại Mỹ với giá 100 USD thì tại Nga nó đã tăng lên hơn gấp đôi với 221 USD.
Trên thực tế, trước khi Apple ban hành lệnh ngừng bán sản phẩm lại Nga, giá bán các sản phẩm này cũng đã cao hơn so với thị trường Mỹ, do các chính sách thuế và giá đồng rúp thấp hơn so với đô la.
Không chỉ riêng đối với các sản phẩm của Apple, nhiều người đang lo ngại nếu như các nhà sản xuất khác cũng tiến hành lệnh cấm bán sản phẩm tại Nga thì giá của các thiết bị này sẽ tăng mạnh hơn nữa. Trên thực tế, các sản phẩm của Apple chiếm thị phần khá lớn tại Nga và nó được khá nhiều người dùng yêu thích, thật khó để thay thế nó bằng các thiết bị đến từ những nhà sản xuất khác.
Hôm 1/3, Apple thông báo ngừng bán sản phẩm tại Nga. Công ty "đặc biệt quan ngại" về tình hình Nga – Ukraine. Ngoài ra, nhà sản xuất iPhone hạn chế truy cập các dịch vụ kỹ thuật số như Apple Pay tại Nga, gỡ ứng dụng của truyền thông nhà nước Nga khỏi App Store toàn cầu (trừ Nga).
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn cũng lần lượt tuyên bố rút khỏi Nga. Meta cho biết sẽ chặn truy cập hai hãng tin RT và Sputnik tại Liên minh Châu Âu. Công ty đưa ra động thái sau khi nhận được yêu cầu từ một số chính phủ và EU để ngăn chặn các biện pháp tiếp theo của truyền thông nhà nước Nga. Meta còn sử dụng thuật toán để ngăn nội dung của truyền thông nhà nước Nga xuất hiện nổi bật trên bảng tin người dùng.
Twitter cũng thông báo giảm sự hiện diện và chia sẻ nội dung của truyền thông Nga. Netflix từ chối phát các kênh truyền hình quốc gia Nga trong nước, điều mà luật pháp Nga yêu cầu Netflix tuân thủ từ tuần này.
Spotify cho biết đã đóng cửa văn phòng tại Nga vô thời hạn và hạn chế các chương trình do truyền thông liên quan đến nhà nước Nga sở hữu, vận hành. Dịch vụ streaming cũng gỡ tất cả nội dung từ RT và Sputnik tại châu Âu cùng các khu vực khác.
Cuối tuần trước, YouTube bắt đầu chặn các kênh truyền thông Nga tại Ukraine, bao gồm RT. Nền tảng video của Google cũng hạn chế tối đa khuyến nghị đến các kênh này. Google và YouTube không còn cho phép các hãng tin nhà nước Nga bật quảng cáo kiếm tiền.
https://cafef.vn/bi-apple-quay-lung-nguoi-nga-do-xo-di-mua-iphone-macbook-nhung-phai-tra-hon-tram-trieu-chua-chac-da-co-20220304155646619.chnTheo Khánh Vy
Doanh nghiệp và tiếp thị