60 dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp được phê duyệt giá tạm
Theo tin tức từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 17-9 đã có 60 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 3.331MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, bằng 50% giá trần của khung giá.
So với tuần trước, số lượng nhà máy được phê duyệt giá tạm tính tăng thêm 2 dự án gồm Nhà máy điện gió số 2 - Sóc Trăng và Nhà máy điện gió HBRE Hà Tĩnh.
Số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 80/85 dự án, với tổng công suất hơn 4.497MW.
Có 67 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/67 dự án.
Bên cạnh đó, có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất hơn 1.171MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.
23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Sáng nay, Hà Nội mặc niệm nạn nhân vụ cháy chung cư mini, hơn 55 tỉ đồng ủng hộ
Theo số liệu của Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Xuân (Hà Nội), tính đến 16h ngày 17-9, với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ bằng tiền mặt là hơn 55,479 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hơn 49 tỉ đồng, hỗ trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân 6 tỉ 479 triệu đồng.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình cho hay sẽ tổng hợp công khai, minh bạch tình hình sử dụng trên các kênh của Mặt trận Tổ quốc phường. Đồng thời, liên hệ và trực tiếp cử các đoàn đến trao tận tay các nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống.
Trước đó, UBND TP Hà Nội thống nhất các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở, vào lúc 8h sáng nay (18-9) đồng loạt tổ chức dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy...
Dự kiến nhiều cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội, quận Thanh Xuân sẽ phát động đợt quyên góp ủng hộ các nạn nhân vụ cháy.
TP.HCM điều chỉnh hoạt động nhiều tuyến xe buýt sinh viên hay đi lại
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa thông báo điều chỉnh hoạt động các tuyến xe buýt có trợ giá số 8, 10, 19, 30, 53. Người dân, học sinh - sinh viên chú ý theo dõi các thay đổi để không ảnh hưởng tới lộ trình.
Cụ thể, các tuyến xe buýt có trợ giá điều chỉnh gồm:
- Tuyến số 8 (Bến xe buýt quận 8 - Đại học Quốc gia),
- Tuyến xe buýt số 10 (Đại học Quốc gia - Bến xe Miền Tây),
- Tuyến xe buýt số 19 (Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia),
- Tuyến xe buýt số 30 (chợ Tân Hương - Đại học Quốc tế) sẽ điều chỉnh về lộ trình, tần suất tuyến…
Riêng tuyến xe buýt số 53 (Lê Hồng Phong - Đại học Quốc gia) có tổng số chuyến hoạt động trong ngày là 190 chuyến, thời gian hành trình 75 phút/chuyến, giãn cách 5-13 phút.
Xử lý nghiêm việc vận chuyển, nhập lậu tôm hùm giống
Tin tức từ văn bản về việc ngăn chặn nhập lậu, buôn bán vận chuyển tôm hùm giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các sân bay quốc tế, và qua địa phương có chung biên giới với Campuchia.
Tôm hùm giống vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng và bệnh sữa, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm Việt Nam.
Bộ đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biên... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng... lập chuyên án chống vận chuyển trái phép tôm hùm giống vào Việt Nam.
Triển lãm quốc tế máy móc và thiết bị chế biến gỗ thu hút hơn 320 đơn vị
Triển lãm quốc tế máy móc và thiết bị ngành công nghiệp chế biến gỗ năm 2023 (Vietnam Wood) lần thứ 15, được tổ chức từ ngày 20 đến 23-9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Q.7, TP.HCM).
Tin tức từ ban tổ chức, sự kiện năm nay thu hút hơn 320 đơn vị từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Các doanh nghiệp tham gia trải đều ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng sẽ trưng bày giới thiệu máy móc, công nghệ chế biến gỗ hàng đầu thế giới như Đức, Ý, Đài Loan (Trung Quốc)…
Điểm nhấn của triển lãm là các công nghệ chế biến thứ cấp và sơ cấp, xử lý bề mặt, phụ kiện nội thất, phần cứng, ổ khóa, giải pháp nhà máy thông minh... Bên cạnh triển lãm còn có các hoạt động như sự kiện livestream các công nghệ mới nhất đến từ Đài Loan và chuỗi hội thảo công nghệ gỗ.
Đại diện Hawa cho biết thị trường có những tín hiệu phục hồi khả quan. Vì vậy, triển lãm diễn ra thời điểm này là trợ lực giúp doanh nghiệp cập nhật, đổi mới công nghệ nhằm đón đầu cơ hội phục hồi sau thời gian dài đối diện với nhiều thử thách.
Tin tức đáng chú ý: TP.HCM dự kiến thu phí lòng đường, hè phố từ năm 2024; Việt Nam nhập gần 7.000 ô tô trong tháng 8; Sẽ có quy định chế tài nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo vi phạm...