Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Hong Kong hôm 3-3 - Ảnh: REUTERS
Ông Lương Vạn Niên - lãnh đạo nhóm chuyên gia ứng phó COVID-19 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc - được cử đến hỗ trợ Hong Kong, đã đề xuất dùng một nửa số giường tại các bệnh viện công Hong Kong để điều trị COVID-19.
Ngày 6-3, báo South China Morning Post đưa tin các bệnh viện công của đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu thực hiện kế hoạch dành một nửa số giường bệnh của họ chỉ để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vào cuối tuần này, để đối phó với tình trạng gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân trong đợt dịch nghiêm trọng hiện nay.
"Ý tưởng ban đầu là chuyển đổi 30% số giường bệnh ở các bệnh viện công. Nhưng với số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng, nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi bác sĩ Lương Vạn Niên (Liang Wan Nian) đã đề xuất tăng tỉ lệ này lên 50%", ông Henry Fan Hung-ling - chủ tịch Cục Quản lý y viện Hong Kong - cho biết.
Hôm 5-3, Hong Kong ghi nhận 37.529 ca nhiễm mới và thêm 150 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên lần lượt hơn 403.000 và ít nhất 1.560 ca. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Hong Kong hiện ghi nhận tỉ lệ ca tử vong/1 triệu người cao hơn bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đánh giá thành phố này đang đối mặt với "thách thức chưa từng có".
Theo Đài CNN, với số ca nhiễm trong cộng đồng đã tăng vọt lên 312.000 ca ở thành phố 7,4 triệu dân này chỉ trong hai tuần qua, các bệnh viện và nhân viên y tế tại đây đang trải qua tình trạng cực kỳ căng thẳng.
Hong Kong hiện hứng chịu đợt dịch thứ 5 nghiêm trọng do biến thể Omicron. Mặc dù biến thể Omicron được đánh giá ít gây tử vong hơn so với các biến thể trước nhưng số ca tử vong tại Hong Kong vẫn đang tăng lên, đặc biệt ở người già chưa được tiêm phòng.
Các thùng lạnh để chứa thi thể được đặt tại một bãi đậu xe ở Hong Kong ngày 5-3, khi các nhà xác hết chỗ - Ảnh: REUTERS
Trong gần một năm qua, giới chuyên gia y tế đã cảnh báo tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi tại Hong Kong là "quả bom hẹn giờ".
Tỉ lệ tiêm chủng ở Hong Kong đã tăng lên khi đợt dịch thứ 5 xuất hiện vào tháng 12 năm ngoái (với 90% dân số đã tiêm ít nhất 1 liều tính đến hôm 4-3), nhưng chỉ một nửa số cư dân từ 80 tuổi trở lên và hơn 2/3 số người 70 - 80 tuổi đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế quá tải của Hong Kong đã gây ra sự chậm trễ trong việc tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 cao tuổi, khiến họ phải chờ đợi trong các viện dưỡng lão chật chội, dẫn tới tỉ lệ lây nhiễm càng tăng.
Hong Kong đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ đầu đại dịch, với các cuộc tụ tập nhóm chỉ giới hạn cho 2 người, bắt buộc đeo khẩu trang, còn các phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và hầu hết địa điểm công cộng đều đóng cửa. Các chuyến bay từ 9 quốc gia đến thành phố này đã bị cấm.
Theo Hãng tin Reuters, từ một đặc khu được cho là chống dịch tốt trong 2 năm qua, đến nay Hong Kong vẫn kiên định với chính sách "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), tuy nhiên biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã phá vỡ hàng rào phòng thủ của Hong Kong. Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia y tế đã đặt câu hỏi về tính bền vững của chính sách này khi số ca nhiễm tăng vọt.
TTO - Theo Hãng tin AFP, nhà chức trách Hong Kong đưa ra tín hiệu cho thấy có thể phong tỏa cứng đặc khu này do số người chết vì COVID-19 tăng lên nhanh trong bệnh viện. Dịch đang giảm nhanh ở Mỹ, châu Âu.