Theo CNBC, mức giá mà Shell mua được cho là thấp hơn rất nhiều so với giá 118 USD/thùng dầu Brent trên thị trường toàn cầu. Trong tuyên bố chính thức ngày 5/3, Shell đã bảo vệ quyết định của mình đồng thời cho biết sẽ chuyển lợi nhuận từ thương vụ này vào một quỹ để viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Theo đó, thương vụ này được thực hiện hôm 4/3 với 100.000 tấn dầu Urals của Nga được tập đoàn năng lượng của Anh mua lại. Giá được cho là "chiết khấu kỷ lục" trong bối cảnh nhiều công ty lo sợ và tránh xa dầu của Nga khi quốc gia này bị phương Tây trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tính tới thời điểm hiện tại, việc mua dầu của Nga không vi phạm bất cứ lệnh cấm vận nào của phương Tây.
Phía Shell nhấn mạnh họ đã "đàm phán căng thẳng với các chính phủ và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của họ về vấn đề an ninh nguồn cung". Shell cũng cho biệt họ nhận thức sâu sắc việc cần "giải quyết tình huống khó xử này một cách thận trọng nhất".
Shell nhấn mạnh: "Chúng tôi không xem nhẹ quyết định này và chúng tôi hiểu tác động to lớn từ những cảm xúc xung quanh nó".
Ngay lập tức, Shell đã phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, người muốn các công ty cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với Nga.
Hồi đầu tuần, Shell cho biết họ có ý định rút khỏi các liên doanh hợp tác với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và các đơn vị liên quan. Trong khi đó, đối thủ BP của họ cuối tuần trước thông báo rằng sẽ bán bớt 19,75% cổ phần của họ trong Rosneft, một công ty dầu khi do Nga kiểm soát.
Trong tuyên bố của mình, Shell nhấn mạnh rằng công ty hoan nghênh "bất cứ định hướng hoặc thông tin chi tiết nào" từ các chính phủ hoặc các nhà hoạch định chính sách. Shell cũng nói rằng họ sẽ tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu Nga nhưng "điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều vì mức độ quan trọng của dầu Nga với nguồn cung toàn cầu".
Nga hiện cung cấp khoảng 12% tổng lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu. Trong khi đó, gần 40% nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu dầu lửa của EU phụ thuộc vào Nga. Việc thoát ly ngay lập tức với nhiên liệu từ Nga rõ ràng là nhiệm vụ bất khả thi và có thể khiến châu Âu hứng chịu những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đối với các hộ gia đình thu nhập thấp.
Trong một diễn biến khác, Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt vô thời hạn cho Đức và Ba Lan qua đường ống Yamal, chạy từ Siberia, qua Bán đảo Yamal sang 2 nước này. Đường ống này chiếm 15% tổng khí đốt xuất khẩu của Nga sang EU. Một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể sử dụng tới con bài năng lượng để gia tăng sức ép lên châu Âu trong bối cảnh nước này liên tiếp phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây vì chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine. Tuy nhiên, chưa rõ Moscow sẽ sử dụng lá bài này ra sao.
http://tintuc.vdong.vn/03/1259061.htm