Người Sài Gòn mua bánh mì khoảng giữa thế kỷ 20 - Ảnh: tư liệu
Chẳng ai nhớ đã nghe tiếng rao ấy từ khi nào, bao nhiêu lần, nhưng ai cũng đã có những ổ, những khúc bánh mì từ tuổi thơ đến khi trưởng thành. Quả vậy, bánh mì đã đến và sống với Sài Gòn bằng khoảng thời gian của nhiều đời người…
Cuộc hội nhập máu lửa
Chỉ trong vài trang Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim đã tóm lược lại toàn bộ quá trình quân Pháp chiếm Nam Kỳ: "Cuối đời Tự Đức nước nghèo, dân khổ, phải lúc có nhiều tai biến, người ngoài vào xâm lược, triều đình ngơ ngác không biết xoay xở thế nào, lòng người ly tán…
1858, sau nhiều lần sứ thần Pháp sang điều đình xin cho người Pháp được tự do thông thương, giáo sĩ tự do giảng đạo mà không được chấp thuận, thay vào đó, nhiều giáo sĩ lại bị giết, đạo bị cấm, thủy quân Pháp kéo vào cửa Đà Nẵng, bắn phá đồn lũy, lên bờ hạ thành An Hải, Tôn Hải.
Danh tướng Nguyễn Tri Phương được vua cử ra lập đồn lũy chống giữ. Liệu thế đánh Đà Nẵng ra Huế chưa được, quân Pháp do thám và định kế vào đánh Gia Định là nơi dễ lấy hơn, lại là nơi trù phú, giàu có, nhiều thóc gạo...
Ở Gia Định bấy giờ có nhiều binh khí nhưng quân lính không luyện tập, võ bị trễ nải. Tháng giêng năm Kỷ Mùi (1859), chỉ sau hai ngày tấn công, quân Pháp đã lấy được thành Gia Định.
Sau nhiều lần điều đình hòa ước để lấy lại đất không thành, đến năm Đinh Mão (1867), cả sáu tỉnh Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do súy phủ ở Sài Gòn quyết định cả".
Trên những chiếc tàu viễn chinh của thực dân Pháp không chỉ có thủy quân, lục quân mà còn có cả những kiến trúc sư đến để xây dựng một thành phố kiểu Pháp dành cho người Pháp, dần biến đổi thành Gia Định trở thành một Sài Gòn mỹ lệ; còn có cả những đầu bếp và bột mì, bơ sữa để nấu những bữa ăn Pháp... Bánh mì đã đến Sài Gòn như thế.
Người Việt đầu tiên ghi lại về bánh mì chính là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất Gia Định - xứ Nam Kỳ. 1861, hai năm sau khi thành Gia Định thất thủ, ông viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc sau cuộc kịch chiến giữa nghĩa binh và giặc Pháp: "Sống làm chi ở lính mã tà: ban rượu chát, phát bánh mì, nghe càng thêm hổ".
Tuyên ngôn "thà đui mà giữ đạo nhà" của Đồ Chiểu đã phát động phong trào đối kháng cả tinh thần lẫn vật chất với những tân thời phương Tây. Nhiều người đã theo ông tẩy chay bánh mì, rượu chát, giặt quần áo bằng tro chứ không dùng xà bông, đi về nơi ruộng đồng…
Mãi đến tận năm 1939, khi Sài Gòn, Hà Nội, Huế đều đã trở thành những đô thị sáng rực ngọn xanh ngọn đỏ, chí sĩ Phan Bội Châu vẫn còn đau lòng xót dạ khi nhắc đến chiếc bánh mì, bấy giờ đã thành một món ăn bình dân: "Mì kia gốc phải nước mình không?/ Nghe tiếng rao mì thốt động lòng/ Chiếc bánh não nùng mùi đất lạ/ Bát cơm đau đớn máu cha ông…".
Nhưng đến lúc ấy, bánh mì đã trở thành của người Việt rồi.
Nói về cuộc hội nhập của bánh mì, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tâm đắc: "Sài Gòn tự nó đã là một thành phố ngã ba đường, nối được những luồng thông thương chủ yếu với thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, sự giao lưu không ngừng của những con người, những tư tưởng, luồng tư bản, hàng hóa.
Bối cảnh lịch sử, văn hóa của việc hội nhập bánh mì là quá trình tiêu biểu cho cuộc đụng đầu lịch sử: tập trung những xung đột và giao lưu, áp đặt và giải trừ, áp bức và đấu tranh, thắng lợi và thất bại, tình trạng thế giới hóa và nỗ lực bảo tồn phong hóa. Để rồi giờ đây, bánh mì đã là một thành tố quan trọng của văn hóa ẩm thực Việt".
Bánh mì trước năm 1975 được tập trung bán trên cả đoạn đường - Ảnh: tư liệu
Bánh mì xuống phố
Là món ăn của người Pháp, lại bị những người Việt đấu tranh yêu nước tẩy chay, lẽ dĩ nhiên những người Sài Gòn đầu tiên nếm bánh mì là những người làm việc cho Pháp, thân Pháp: bồi bàn, thông ngôn, ký lục, công chức Tây học, thị dân.
Đại lộ Charner Saigon (nay là đường Nguyễn Huệ, TP.HCM) hồi đầu thế kỷ XX, nhà số 125 là tiệm bánh mì nổi tiếng của ông Louis-Roux - Ảnh tư liệu
Trên báo Nông Cổ Mín Đàm số ngày 26-12-1901 có đăng quảng cáo của cửa tiệm bánh mì 125 Charner (nay là đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) thơm ngon nổi tiếng với ông chủ Louis-Roux người Pháp:
"Phố bánh mì thiệt thợ Langsa làm (của ông Roux). Nội Saigon có một phố hàng này mà thôi, ở tại đường Charner (tục danh đường Kinh Lấp) số 125. Xin anh em chớ lộn. Có tiệm ngánh trước nhà thờ Tân Định (Cầu kiệu). Tiệm ngánh tại Chợ Lớn đường Marins.
Mỗi bữa sớm mai và chiều đều có bánh mới sốt dẻo và bánh sừng bò chẩy beurre (bánh mặn). Ngày chủ nhật, thứ ba và thứ năm có bánh tròn mặn, bánh bò chế mật.
Tại tỉnh Mỹ Tho, tiệm ngánh ở mé sông chợ số 10, mỗi bữa đều có bánh mì mới… Bán đủ đồ vật thực, đựng hộp nhứt hảo hạng. Có rượu chát, rượu bière, limonades. Có trữ nước đá. Đủ thuốc y dược tây. Nội hạt ai mua vật gì xin gởi mau mắn và tử tế hết sức.
Còn ở các hạt Tân-an, Bến-tre, Cái-bè, Cần-thơ, Hà-tiên, Sốc-trăng, Vĩnh-long và Sa-đéc, anh em ai muốn mua vật chi thì xin gởi thơ cho tôi, tên Roux tại Mỹ-tho.
Tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), có tiệm và lò bánh mì tại đường Lanessan, lãnh nạp bánh cho các cơ binh, có gởi bánh mì qua bán tại Bà-rịa.
Tỉnh Biên Hoà, có để bánh mì bán tại phố Châu - trân - Lang, là nhà hàng bán đồ phẩm thực. Ai muốn mua bánh để lâu đặng đi đường, đi rừng đi rú cũng có bán" (theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp - PV).
Một mẩu quảng cáo thật tỉ mỉ, nói được thật nhiều điều về bánh mì tại Sài Gòn và cả Nam Kỳ.
Hẳn nhiên đến khi đó bánh mì vẫn còn là một món ăn khá xa xỉ nhưng đã không còn mấy xa lạ, đã được sản xuất sáng chiều để thực khách được thưởng thức "sốt dẻo".
Bánh mì lúc này là những thanh bánh mì baguette dài hàng mét kiểu Pháp nhưng đã được phổ biến đến nhiều tầng lớp người Việt, đã không còn chỉ được dọn trên đĩa, ăn trên bàn với đủ bộ muỗng nĩa, pate, trứng opla kiểu người Pháp mà đã được mua để ăn trên đường dài.
Chỉ vài năm sau, trên Niên giám Đông Dương năm 1908 đã ghi nhận cửa tiệm số 95 Charner của nhà nhiếp ảnh Lê Văn Ba, vừa chụp ảnh, vừa bán xe đạp và làm bánh mì. Năm 1909 có thêm tiệm bánh mì của bà Soundan số 49-55 đường Amiral Dupré (nay là Đông Du, Q.1, TP.HCM)... Bánh mì đã bắt đầu bớt xa xỉ.
Vài năm sau nữa, Thế chiến thứ nhất nổ ra. Nguồn cung bột mì khan hiếm. Những nhà làm bánh mì người Hoa, người Việt bắt đầu phải thay đổi công thức, trộn thêm bột gạo vào bột mì. Việc "độn" bột này lại cho ra kết quả tốt: bánh mì có ruột xốp và mềm hơn, vỏ mỏng hơn.
Những ổ bánh mì baguette dài cũng được làm nhỏ, ngắn hơn, hoặc có khi cắt khúc ra bán, qua đó mà rẻ tiền hơn. Bánh mì đã trở nên bình dân.
100 năm sau khi du nhập vào Sài Gòn, ổ bánh mì baguette vẫn còn giữ nguyên hình hài của nó. Ảnh chụp vào năm 1961 ở bến xe Petrus Ký - Ảnh tư liệu
Năm 1930, Sài Gòn đã có nhiều người đội những giỏ bánh mì bán rong trên phố, với giá 2 xu/ổ. Một trong những người ấy là ông Phạm Văn Xô - Hai Xô, năm ấy vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đảng khi ấy là một hội kín hoàn toàn vô sản, ông Hai Xô đã chọn việc đi bán bánh mì để góp quỹ cho Đảng hoạt động, cũng là cơ hội để tiếp xúc nhiều hơn với giới công nhân, thợ thuyền lao động.
Hai xu một ổ bánh mì, nhưng có những hôm đói lả trên đường, ông Xô đã không dám ăn ngay cả ổ bánh cuối cùng, vì với ông, ổ bánh mì ấy là của Đảng.
********
Bánh mì que kiểu Pháp dài như khúc củi ấy thật bất tiện, khó cầm gọn trên tay ăn như trái bắp, để có thể "bới theo" tới sở làm việc. Vậy là họ nghĩ ra cách làm cho nó ngắn lại. Cái bánh mì nhỏ ấy ra đời đầu tiên tại các lò bánh ở Sài Gòn vào khoảng đầu thế kỷ 20.
>> Kỳ tới: Chiếc bánh chứa tâm hồn Việt
TTO - Từ một món ăn thường nhật của dân châu Âu, bánh mì theo chân người Pháp đến Việt Nam và được người Việt chế biến thành một trong những món ăn đường phố "ngon nhất thế giới", rồi cả trên những bàn tiệc sang trọng.
Xem thêm: mth.29575049160302202-gnouht-ned-tehg-ut-im-hnab-2-yk-us-yk-teiv-im-hnab/nv.ertiout