Chiều 7-3, UBND TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, hiện nhiều người dân ở TP.HCM bị các đối tượng lừa lấy hết tiền khi tham gia vào các app mua hàng, mua tiền ảo trên mạng xã hội. Công an TP.HCM đánh giá thế nào về loại tội phạm này, người dân cần lưu ý gì và khi bị lừa thì báo cho ai?
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM trả lời tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Trả lời câu hỏi này, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cảnh báo bằng nhiều hình thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua tiền ảo trên mạng xã hội, nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua bán qua các app trên mạng xã hội.
“Khi người dân tải các app về điện thoại, sau đó làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì tài khoản bị hack và mất tiền trong tài khoản” – ông Quang nói.
Theo ông Quang, từ năm 2021 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện 33 vụ việc có liên quan đến mua hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội. Trong đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố 2 vụ án với 3 bị can liên quan việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad… để kêu gọi các nhà đầu tư, đưa ra các mức lãi suất siêu lợi nhuận, rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia và sau đó chiếm đoạt tài sản của bị hại. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm.
Theo ông Quang, nhìn chung thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống với thủ đoạn lừa đảo truyền thống, đó là đánh vào lòng tham như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà có giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ người dân tham gia. Tuy nhiên, dạng thủ đoạn này tinh vi hơn, nguy hiểm hơn và dễ dụ dỗ hơn vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản. “Thủ đoạn che giấu hay hơn, các kịch bản dễ đi vào lòng người hơn và hình ảnh sống động hơn làm cho người dân dễ tin hơn” – ông Quang nói.
Do vậy, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang lưu ý người dân cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ ban đầu đối với loại tội phạm này. “Không có việc gì nhẹ nhàng, đầu tư ít tiền nhưng lại siêu lợi nhuận” – ông Quang nói.
Trong thời gian tới, ông Quang cho biết Công an TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền ảo và hàng hóa qua app trên mạng xã hội.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM khuyến cáo khi người dân gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, Công an quận huyện nơi người dân sinh sống để điều tra làm rõ.