Theo AFP, Thủ tướng Olaf Scholz đã cảnh báo về việc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào năng lượng của Nga. Nhà lãnh đạo nước Đức cũng nhấn mạnh động thái trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga có thể khiến an ninh năng lượng châu Âu gặp rủi ro.
"Châu Âu đã cố gắng miễn trừ các nguồn cung năng lượng từ Nga khỏi các lệnh trừng phạt", ông Scholz nhấn mạnh.
Theo đó, năng lượng của Nga có thể giúp châu Âu sưởi ấm, di chuyển, cung cấp điện và giúp các ngành công nghiệp có thể tiếp tục vận hành.
"Do đó, điều này có tầm quan trọng thiết yếu đối với các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của công dân chúng ta", ông Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng Nga.
Trước đó, chính Đức cũng đã tuyên bố dừng phê duyệt dự án dẫn khí Nord Stream 2, nối liền Nga với Đức thông qua biển sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đây là dự án quan trọng, sẽ góp phần gia tăng nguồn cung năng lượng cho châu Âu mà không phải phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang muốn trừng phạt nhằm vào dầu mỏ và khí tự nhiên của Nga. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đang có chuyến công du châu Âu để nói chuyện với các đồng minh về những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trong khi đó, WSJ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các nghị sĩ của cả 2 đảng về việc trừng phạt Nga. Một dự luật do lưỡng đảng đề xuất đã thu hút đông đảo sự ủng hộ. Ngay cả chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một người Dân chủ, cũng tuyên bố ủng hộ việc trừng phạt dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, một động thái như vậy đe dọa gia tăng lạm phát hơn nữa ở Mỹ cũng như gây áp lực lên các đồng minh, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập khẩu từ Nga. Chính quyền của ông Biden cần giữ cho dòng chảy của dầu thông suốt với hy vọng các đồng minh châu Âu sẽ không quay lưng lại với các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ nhằm đảm bảo cuộc sống người dân của họ.
Thực tế này cũng đang đặt chính quyền Biden vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi vừa phải thể hiện quan điểm với Nga, vừa phải đảm bảo lạm phát không tiếp tục trở nên tồi tệ hơn nữa. Trong những ngày qua, Nhà Trắng đang đi đúng hướng khi thừa nhận rằng những lời kêu gọi cấm vận dầu Nga là hợp lý nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nước Nga đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
Trong phát biểu hôm 6/3, ông Blinken nhấn mạnh: "Hiện tại, chúng tôi đang trao đổi với các đối tác vào đồng minh châu Âu để xem xét một biện pháp cấm vận dầu Nga nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu".
Nga là nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới, chiếm 12% sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, 40% nhu cầu khí và 25% nhu cầu dầu của châu Âu phụ thuộc vào Nga. Ngay khi xuất hiện thông tin Mỹ muốn trừng phạt dầu của Nga, giá dầu Brent đã có lúc lên tới 140 USD/thùng trước khi trở lại dưới mốc 130 USD. Dầu WTI cũng đang ở mức cao nhất trong hơn 1 thập niên qua.
Nhiều nhà phân tích quan ngại giá dầu có thể tăng cao hơn nữa trong trường hợp phương Tây trừng phạt dầu của Nga. Đó là chưa kể đến việc Moscow áp đặt các biện pháp trả đũa bằng cách ngừng hoàn toàn cung cấp dầu và khí cho châu Âu. Điều này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và không ai biết hậu quả của nó sẽ tồi tệ tới mức độ nào.
http://tintuc.vdong.vn/03/1260626.htm