Ngày 22/11/1963, kế toán Lý Dương vào thành phố từ sáng để lĩnh tiền lương tháng này về phát cho toàn thể công nhân nhà máy khai thác mỏ thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc. Dương thường về trước 11h nhưng hôm nay đến trưa cũng không thấy bóng dáng cô.
Khi đến nhà tìm Dương, gia đình cũng đang đợi cô về ăn cơm. Quản lý nhà máy cử người đến ngân hàng hỏi thì được biết Dương đã nhận 16.000 nhân dân tệ tiền mặt và rời đi từ 10h. Vào năm 1963, đây là một số tiền rất lớn, tiền lương của công nhân chỉ khoảng 30 nhân dân tệ/tháng.
Cảnh sát tổ chức tìm kiếm tung tích Lý Dương trên diện rộng nhưng không thấy manh mối. Nhiều lời đồn bắt đầu nổi lên. Nữ kế toán bị cho là đã ôm tiền bỏ trốn hoặc đã bị bắt cóc, sát hại và hủy thi thể, thậm chí có người đồn Dương là gián điệp, khiến gia đình chịu nhiều điều tiếng.
Theo nhân viên giao dịch ở ngân hàng, hôm đó Dương cố ý xin tiền mệnh giá nhỏ để thuận tiện phát lương cho công nhân. Từ điểm này, cảnh sát cho rằng Dương không cầm tiền chạy trốn, nếu không, cô có thể yêu cầu nhận tiền mệnh giá lớn để dễ mang theo.
Một nhân viên bảo vệ quen biết Dương nhìn thấy sau khi Dương ra khỏi ngân hàng không xa, có một người đàn ông đến trò chuyện với cô rồi cả hai cùng rời đi. Anh ta có khuôn mặt vuông, cao khoảng 1,75 m, thân hình vạm vỡ.
Điều tra các mối quan hệ xã hội của Dương, cảnh sát thấy cô hiếm khi tiếp xúc với nam giới, ngoại trừ đồng nghiệp, cô không có bạn bè nam giới nào khác.
Cảnh sát chuyển mục tiêu nghi ngờ đến Phùng, chồng của Dương, có ngoại hình khá giống mô tả của nhân chứng. Tuy nhiên, hàng xóm cho biết sáng hôm đó Phùng ở nhà nấu cơm chờ vợ về vì hôm đó là sinh nhật cô.
Trong vòng vài năm, cuộc điều tra được mở rộng đến hơn 10 tỉnh, thành, nhưng do hạn chế của công nghệ điều tra tội phạm và thiếu manh mối có giá trị, vụ án không có tiến triển, cuối cùng chỉ có thể tạm dừng.
Năm 1984, chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu lên kế hoạch cải tạo khu dân cư cũ, phá bỏ những ngôi nhà cũ nát. Chiều 14/6, khi đào móng trên công trường, ba công nhân phát hiện một khoảnh đất được lát bằng xi măng có độ dày bất thường. Họ dùng búa đập vỡ sàn xi măng rồi lấy xẻng xúc, bất ngờ đào ra một thi thể tóc dài.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân là nữ, khoảng 30 tuổi, đã chết hơn 20 năm do bị vật nặng đập vào đầu, hộp sọ bị nứt. Nạn nhân mặc áo bông màu xanh lam, đi giày da màu đen, bên cạnh có một chiếc cặp táp màu đen.
Điều tra những người mất tích cách đây 20 năm, một cảnh sát từng tham gia tìm kiếm Lý Dương lập tức nhớ đến vụ án xôn xao một thời. Phùng, nay đã ngoài 50 tuổi, được gọi đến hiện trường và nhận ra đôi giày, túi xách quen thuộc của vợ.
Vài ngày sau, cảnh sát dùng phương pháp đối chiếu tủy xương của thi thể và con gái Dương, xác định người chết chính là nữ kế toán biến mất 21 năm trước.
Cảnh sát điều tra hồ sơ cũ và hỏi những người sống gần đó để tìm chủ sở hữu ngôi nhà phát hiện thi thể. Người này là Kiều Thế Khải, đã chuyển đi nơi khác từ lâu. Khải từng là cảnh sát khi còn trẻ nhưng sau đó bị khai trừ khỏi ngành do có hành vi sai trái, phẩm chất tệ. Sau vài năm, anh ta nhờ quan hệ để được vào làm trong Cục Vật tư. Nhưng vào đầu những năm 1980, Khải bị phát hiện biển thủ công quỹ và bị kết án 5 năm tù. Anh ta lấy lý do mắc bệnh nặng để được bảo lãnh không phải ngồi tù.
Ngay tối 14/6, cảnh sát tìm đến nhà Khải nhưng anh ta đã uống thuốc độc tự tử trước đó không lâu. Trương Bảo Trân, vợ của Khải, nói anh ta tự tử để thoát khỏi sự giày vò của bệnh tật. Khải đã chết, Trân trở thành điểm đột phá duy nhất của vụ án. Cô ta bị cảnh sát đưa về đồn để hỗ trợ điều tra.
Trong quá trình thẩm vấn, ban đầu Trân khẳng định không biết gì về việc chôn thi thể trong nhà, phủ nhận quen biết Lý Dương. Sau đó cô ta lại tìm cách chối tội, nói kẻ giết người là Khải và một kẻ khác, cô ta chỉ nhìn thấy họ đào hố chôn thi thể, không tham gia gây án. Sau nhiều lần thẩm vấn và tìm kiếm thêm bằng chứng, nhân chứng, cảnh sát khiến Trân phải thừa nhận đã cùng chồng hợp sức sát hại Dương.
21 năm trước, Trân làm nhân viên bán quần áo và giày dép trong một cửa hàng bách hóa. Dương thích đi mua sắm tại đây nên dần quen biết Trân. Sau khi nhận ra là đồng hương, hai người càng thân thiết, thường đến chơi nhà nhau. Tuy nhiên, Trân ghen tỵ với Dương vì là kế toán, lương cao, gia đình khá giả. Khi đó, Khải đang thất nghiệp, bực bội vì bị vợ mắng vô dụng nên nảy ý định cướp tiền của Dương. Anh ta nhắm đến số tiền hàng chục nghìn nhân dân tệ Dương giữ để trả lương cho công nhân. Khải thuyết phục Trân tham gia, giúp dò hỏi Dương ngày trả lương ở nhà máy.
Ngày 22/10/1963, Khải đi thăm dò, quan sát lộ tuyến xung quanh ngân hàng. Tối 21/11, vợ chồng Khải lên kế hoạch tỉ mỉ một lần nữa. Sáng hôm sau, đợi Dương lấy tiền xong, Khải giả vờ tình cờ gặp rồi lừa cô đến nhà với lý do Trân đang ốm nặng. Đến thăm bạn tốt không bao lâu, Dương bị Khải dùng rìu bất ngờ tấn công trong phòng ngủ. Sau đó, hai vợ chồng đào hố ngay góc phòng để chôn thi thể. Để che đậy mùi hôi thối bốc lên theo thời gian, họ nghĩ ra nhiều cách như đốt hương, dùng chất tẩy rửa, cuối cùng trét hai lớp xi măng dày lên trên.
Vài năm sau, họ mua một căn nhà mới, nhà cũ bỏ không.
Năm 1984, khi nghe tin chính quyền phá dỡ khu nhà cũ để xây mới, hai người sợ hãi. Khải thường đến công trường nghe ngóng tình hình, cho đến ngày công nhân phát hiện thi thể, anh ta biết mình không thể trốn thoát được nữa. Tối đó, Khải uống thuốc trừ sâu tự tử.
Trân những tưởng có thể thoát án tử hình bằng cách chủ động khai nhận hành vi phạm tội, nhưng do vụ án gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, gây tổn hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình nên tòa tuyên phạt Trân tử hình.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Zhihu)
Xem thêm: lmth.4784344-man-12-na-ib-hcit-tam-neit-mo-naot-ek-un/ten.sserpxenv