vĐồng tin tức tài chính 365

Taxi, xe công nghệ rục rịch tăng giá cước

2022-03-08 06:07

Ngày 7-3, Grab Việt Nam cho biết: Để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng, từ ngày 10-3, Grab sẽ điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ.

Sau thông tin hãng Grab sẽ điều chỉnh tăng giá cước, nhiều người dân lo lắng sắp tới các hãng khác cũng đồng loạt tăng giá, ảnh hưởng nhiều đến chi phí đi lại.

Người dân, tài xế đều than

Chị Lê Thu Hồng (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Grab và một số hãng xe công nghệ vốn là phương tiện di chuyển thường xuyên của gia đình tôi. Nay nghe giá cước xe công nghệ tăng mà buồn. Việc đi lại của chúng tôi sẽ tốn kém hơn nhiều. Nay mới chỉ Grab thông báo tăng giá nhưng tôi đoán không lâu sau các hãng còn lại cũng tăng theo”.

Taxi, xe công nghệ rục rịch tăng giá cước - ảnh 1
Grab Việt Nam đã thông báo tăng giá cước dịch vụ từ ngày 10-3.
Ảnh: ĐÀO TRANG

Chị Nguyễn Hồng Anh (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng: Do xăng tăng giá quá cao, việc tăng giá cước vận tải cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tăng giá cước cần có sự tính toán làm sao để hài hòa lợi ích giữa tài xế, người dân và hãng xe. Chỉ như vậy mới tránh được tình trạng tài xế chạy không có lợi nhuận, song khách hàng cũng “bỏ chạy” vì giá cước quá cao.

“Tôi nghĩ cần có thời gian để bình ổn lại giá cước, tránh tăng quá nhanh, ai cũng sốc” - chị Hồng Anh nhấn mạnh.

Nỗi lo tăng giá cước cũng bủa vây những người tài xế chạy xe công nghệ. Anh Nguyễn Hoàng, tài xế GrabBike, chia sẻ: Giá xăng quá cao, nếu không tăng cước thì tài xế chạy không có lời, còn nếu tăng thì sợ khách hàng “bỏ chạy”.

“Chúng tôi cũng rất lo lắng về vấn đề này. Chi phí xăng xe tăng khủng khiếp so với trước, trong khi lượng khách đi xe lại giảm, thu nhập của tài xế không đủ sống” - anh Hoàng bày tỏ.

Anh Hoàng thông tin nếu như trước đây trung bình một ngày anh thu được 500.000 đồng (đã trừ chi phí xăng xe) thì nay chạy từ sáng sớm tới tối mịt, một ngày cũng chỉ kiếm được tối đa khoảng 300.000 đồng.

“Tăng giá cước cần phải tính toán”

Grab Việt Nam cho rằng việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của tài xế, từ đó họ có cơ hội tăng thu nhập trang trải cuộc sống. Đồng thời khuyến khích các tài xế hoạt động tích cực nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Gojek Việt Nam cho biết hiện hãng chưa có kế hoạch điều chỉnh chính sách giá liên quan đến việc giá xăng dầu tăng.

“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường cùng các yếu tố khác để đưa ra các chính sách phù hợp. Từ đó, chúng tôi sẽ đảm bảo quyền lợi hợp lý cho các đối tác tài xế cũng như người dùng” - đại diện Gojek cho hay.

Đại diện AhaMove cũng cho biết hiện đơn vị vẫn chưa tăng giá cước dịch vụ. Tuy nhiên để chia sẻ với tài xế, nhất là thời điểm xăng tăng giá, hãng này đang áp dụng các hình thức thưởng tiền cho tài xế ở khu vực Hà Nội. Hoạt động này chỉ áp dụng đối với một số nhóm tài xế đạt yêu cầu và ở nhóm dịch vụ như siêu tốc, siêu tốc đồ ăn, siêu rẻ, mua hộ...

Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun, cho hay: Trước mắt công ty sẽ cân nhắc hỗ trợ anh em tài xế để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn việc tăng giá cước cần phải tính toán vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, tránh tình trạng tăng giá sẽ dẫn đến việc tăng giá dây chuyền.

“Hiện chúng tôi vẫn đang chờ xem Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tính toán giảm các thuế phí để hỗ trợ. Sau đó, phía Vinasun mới tính toán đến việc thay đổi giá cước hay không” - ông Hỷ nói.

Sở GTVT TP.HCM cho biết: Khi tăng giá cước, các hãng taxi và xe khách liên tỉnh phải báo cáo về sở để xem xét. Hiện đã có một số hãng xin tăng giá cước trong thời gian tới, trong đó có hãng Taxi 27/7 và một số hãng xe khách liên tỉnh.•

 

Grab Việt Nam thông báo về giá cước từ ngày 10-3 như sau: Tại TP.HCM và Hà Nội, giá cước cho 2 km đầu đối với GrabCar bốn chỗ sẽ là 29.000 đồng, mỗi kilômet tiếp theo là 10.000 đồng. Đối với xe GrabCar bảy chỗ, giá cước là 34.000 đồng cho 2 km đầu, mỗi kilômet tiếp theo là 13.000 đồng.

Đối với GrabCar Protect bốn chỗ ở TP.HCM, 2 km đầu là 32.000 đồng, mỗi kilômet tiếp theo là 11.200 đồng; xe bảy chỗ là 38.600 đồng, mỗi kilômet tiếp theo là 13.900 đồng.

Tại Hà Nội, giá cước dịch vụ cho GrabCar Protect bốn chỗ là 29.000 đồng cho 2 km đầu, mỗi kilômet tiếp theo tăng thêm 10.100 đồng; xe bảy chỗ là 34.300 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 11.800 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo.

Tương tự, giá cước GrabBike cũng được điều chỉnh cả ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, loại GrabBike thông thường ở TP.HCM có giá 12.500 đồng cho 2 km đầu, còn ở Hà Nội là 13.500 đồng. Đối với loại GrabBike Plus ở TP.HCM và có giá dịch vụ cao nhất là 16.000 đồng cho 2 km đầu.

Đối với các dịch vụ khác như giao hàng, GrabFood, GrabExpress siêu tốc và GrabFood cũng sẽ tăng giá cước. Giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác. Giá cước có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

 

Xem thêm: lmth.8117401-couc-aig-gnat-hcir-cur-ehgn-gnoc-ex-ixat/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Taxi, xe công nghệ rục rịch tăng giá cước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools