vĐồng tin tức tài chính 365

Các hãng dầu 'kiếm củi ba năm đốt một giờ' ở Nga

2022-03-08 12:56

Kể cả khi Nga triển khai quân đội gần biên giới Ukraine tháng trước, các lãnh đạo BP, Shell và Exxon Mobil vẫn tin rằng họ có thể chống chịu ảnh hưởng, WSJ trích nguồn tin thân cận cho biết. Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 60 giờ tuần trước, cả ba công ty lần lượt thông báo rút khỏi Nga, dưới sức ép từ chính quyền Anh, Mỹ và cộng đồng quốc tế khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

BP cho biết sẽ thoái 20% vốn tại hãng dầu Nga Rosneft. Shell chấm dứt các liên doanh tại Nga và rời khỏi dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2. Exxon thì đóng một dự án dầu khí khổng lồ trên Đảo Sakhalin (Nga).

Trên WSJ, John Sawers – một lãnh đạo của BP cho biết cổ phần của họ tại Rosneft có giá trị sổ sách 14 tỷ USD năm ngoái, nhưng giờ đã "về gần 0". Các công ty không cho biết chi tiết họ sẽ rời đi như thế nào, hay sẽ thiệt hại bao nhiêu. Vì đúng là họ cũng chẳng biết. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ khiến họ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, tìm người mua số tài sản tại đây. Số tài sản này gần đây được ước tính vào khoảng hơn 20 tỷ USD.

Một trạm xăng của BP tại Moskva tháng này. Ảnh: Wall Street Journal

Một trạm xăng của BP tại Moskva tháng này. Ảnh: Wall Street Journal

Một người phát ngôn của Exxon cho biết họ sẽ phải dừng hoạt động tại Sakhalin một cách cẩn thận, sau đó giải quyết các nghĩa vụ về thương mại, hợp đồng của dự án rồi mới rời đi được. Các bước này đều đang được thực hiện.

Việc các công ty phải rời khỏi nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu toàn cầu rối loạn, khiến giá mỗi thùng dầu hiện lên hơn 120 USD. Nó có thể tác động đến nguồn cung trong tương lai, do các công ty này đang giúp Nga khai thác tài nguyên thiên nhiên. Việc Exxon ngừng hoạt động tại Sakhalin khiến thị trường dầu toàn cầu mất gần 230.000 thùng mỗi ngày. Nguồn tin của WSJ cho biết các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại với lãnh đạo Exxon về tác động của việc rời đi.

Mối quan hệ thân thiết

Việc các công ty dầu phải ra đi - sau khi đã mất hàng chục năm tạo dựng quan hệ để khai thác tại Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới – cho thấy vấn đề pháp lý, chính trị, đạo đức có thể xoay chuyển tình hình nhanh đến mức nào.

Các hãng dầu phương Tây đã trải qua nhiều vòng trừng phạt Nga trước đây, trong đó có cả lần Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Họ thắt chặt mối quan hệ với giới chức Nga, tham gia vào nhiều vị trí mang tính biểu tượng. Ví dụ, cựu CEO Exon Rex Tillerson năm 2013 từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huân chương Hữu nghị vì vai trò trong ngành năng lượng nước này. CEO hiện tại của BP Bernard Looney cũng từng tham gia Hiệp hội Địa lý Nga.

Khi BP thông báo rời Nga ngày 27/2, hãng cho biết ông Looney sẽ rời vị trí này. Ông cũng sẽ không tham gia vào HĐQT Rosneft nữa.

BP là công ty có mối quan hệ sâu rộng nhất với Nga, vì đã ở đây 3 thập kỷ qua. Nguồn tin của WSJ cho biết khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, BP phải gấp rút đánh giá tác động và lên kế hoạch những việc cần làm.

WSJ trước đó cũng đưa tin Kwasi Kwarteng – người phụ trách các vấn đề về doanh nghiệp và năng lượng của Anh đã gọi điện cho Looney, nói rằng chính phủ không hài lòng với cổ phần của BP trong Rosneft và muốn họ có phản hồi. Hai ngày sau, BP thông báo rời đi sau một cuộc họp HĐQT khẩn cấp. Hãng cảnh báo thiệt hại từ việc này có thể lên tới 25 tỷ USD. Khoản cổ tức ước tính hơn 1 tỷ USD từ Rosneft năm nay cũng không được tính nữa.

BP thông báo tin này với CEO Rosneft Igor Sechin ngày 27/2. Sau đó, Chủ tịch BP Helge Lund cũng nói chuyện với ông Sechin. Các lãnh đạo cấp cao của BP đều lo ngại về phản ứng của các đối tác Nga, nguồn tin của WSJ cho biết.

‘Sức ép chưa từng có tiền lệ’

Dù vậy, ông Sechin khiến họ ngạc nhiên khi tỏ ra thông cảm. Sechin tin rằng Anh không cho BP nhiều lựa chọn. "BP đang chịu sức ép chưa từng có tiền lệ từ cả giới chức và cổ đông", Rosneft cho biết trên website của hãng.

Sechin cũng là một trong các cá nhân Nga bị giới chức phương Tây đưa vào tầm ngắm. Tuần trước, Pháp cho biết đã tịch thu một du thuyền được cho là thuộc về công ty do ông sở hữu phần lớn.

Động thái của BP khiến Shell – một hãng dầu khác của Anh, cũng chịu sức ép. Ngày 28/2, họ họp HĐQT sau cuối tuần bận rộn thảo luận các lựa chọn qua điện thoại và email. Kwarteng cho biết trên Twitter rằng ông đã nói chuyện với CEO Shell Ben van Beurden về Nga. Tối đó, Shell ra thông báo rút khỏi các liên doanh với Gazprom (Nga) và ngừng tham gia dự án Nord Stream 2.

Shell sở hữu 27,5% cổ phần trong một dự án khí đốt ngoài khơi lớn ở Nga, cung cấp khoảng 4% khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho toàn cầu. Họ đã đầu tư 950 triệu euro (1,04 tỷ USD) cho Nord Stream 2.

Đức thông báo ngừng dự án Nord Stream 2 hôm 22/2. Công ty điều hành đường ống này cũng phải sa thải toàn bộ nhân viên. Shell từng kỳ vọng Nord Stream 2 giúp họ mở rộng kinh doanh và đa dạng hóa nguồn khí tự nhiên. Việc hỗ trợ vốn cũng phản ánh quan hệ ngày càng thân thiết của hãng với Gazprom, nguồn tin của WSJ cho biết. Shell cho biết hiện có khoảng 3 tỷ USD tài sản không lưu động tại các dự án ở Nga và có thể phải xóa bỏ chúng trong sổ sách.

Thậm chí, việc Shell mua 100.000 tấn dầu thô Nga tuần trước cũng bị chỉ trích. Shell sau đó giải thích rằng họ đang tìm nguồn cung dầu thay thế, nhưng không thể ngừng mua dầu Nga ngay lập tức vì Nga đóng góp phần lớn vào nguồn cung toàn cầu. Hãng cho biết sẽ dùng lợi nhuận từ thương vụ này để hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine.

Exxon ban đầu im lặng khi các hãng dầu khác công bố rút chân. Công ty Mỹ này đã âm thầm đánh giá diễn biến tại Ukraine, nhưng cho rằng chiến dịch quân sự toàn diện là điều không thể xảy ra, nguồn tin của WSJ cho biết.

Exxon là hãng dầu lớn nhất ở phương Tây. Họ cũng đã xây dựng quan hệ với Nga hàng thập kỷ qua. Hãng có hợp đồng khai thác dầu khí tại Đảo Sakhalin. Ông Tillerson từng thân thiết với ông Putin. Exxon năm 2011 ký thỏa thuận đầu tư 3,2 tỷ USD khoan thăm dò dầu tại Nga. Ông Putin khi đó gọi đây là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất giữa Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, đến năm 2014, dự án này phải dừng lại vì lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp lên Nga sau sự kiện Crimea. Exxon sau đó rút khỏi ít nhất 10 liên doanh với các thực thể Nga. Họ duy trì dự án Sakhalin cho đến tận tuần trước.

Nguồn tin của WSJ cho biết các lãnh đạo Exxon đã nói chuyện điện thoại liên tục với quan chức chính phủ Mỹ trước và sau xung đột Ukraine. Khi tình hình leo thang, quan chức Mỹ đã hỏi về tác động với giá dầu nếu Exxon và các hãng khác rút khỏi Nga.

Sau khi BP thông báo rời đi, một lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Exxon rằng tình hình Ukraine sẽ ngày càng tệ đi, khuyến khích hãng này theo sát động thái của các hãng dầu khác. Dù vậy, họ không ép Exxon phải làm điều gì.

Khi đó, lãnh đạo Exxon cho biết đang đánh giá các lựa chọn. Tuy nhiên, họ sẽ không thể rời đi nhanh chóng do Exxon còn điều hành dự án và phải chịu trách nhiệm các vấn đề về an toàn và môi trường.

Đóng cửa dự án Sakhalin

Ngày 1/3, CEO Exxon Darren Woods và các lãnh đạo khác quyết định đóng cửa Sakhalin. Họ đã thông báo cho các đối tác là Rosneft (Nga), Sodeco (Nhật Bản) và ONGC Videsh (Ấn Độ) về việc này.

"Chúng tôi lấy làm tiếc về động thái quân sự của Nga tại Ukraine và rất đau buồn về những thương vong, thiệt hại do việc này gây ra", Woods cho biết trong cuộc họp với nhà đầu tư, "Chúng tôi cho rằng theo thời gian, khả năng vận hành và duy trì sự thống nhất của các dự án sẽ giảm sút".

Về mặt kỹ thuật, đóng cửa Sakhalin cũng rất khó khăn. Cơ sở này nằm trong khu vực nước có thể đóng băng dày và nhiệt độ xuống dưới 4 độ C. Tìm được người mua là việc khó, do tài sản của Nga đang bị xa lánh. Exxon ước tính giá trị của dự án này vào khoảng 4 tỷ USD. Dù vậy, hoạt động sản xuất tại Sakhalin cũng đang giảm sút, do dự án hoạt động đã lâu và hiện chỉ đóng góp khoảng 3% dầu cho Exxon.

TotalEnergies (Pháp) là hãng dầu lớn duy nhất của phương Tây vẫn còn duy trì hiện diện lớn tại Nga. Hôm 1/3, họ cho biết sẽ không cấp vốn cho các dự án mới tại đây, nhưng vẫn giữ dự án cũ. Bộ trưởng Tài chính Pháp đã thảo luận vấn đề này vài lần với CEO TotalEnergies, nhưng không buộc họ bán tài sản, nguồn tin của WSJ cho biết.

Chevron không có hoạt động tại Nga, nhưng sở hữu 15% cổ phần trong một đường ống dẫn dầu từ dự án ở Kazakhstan đến một kho chứa ở Nga. Nguồn tin của WSJ tiết lộ công ty Mỹ này hiện chưa có kế hoạch rời đi. Chevron cũng thông báo đường ống này là kênh xuất khẩu quan trọng để họ phục vụ khách hàng trên toàn thế giới.

Nhiều luật sư, kế toán và cố vấn đang được huy động để giúp các hãng dầu tái cấu trúc tài sản ở Nga. Việc bán dĩ nhiên rất khó. Mục tiêu cơ bản của họ là tránh bán lại trực tiếp cho đối tác Nga hoặc vô tình làm lợi cho Nga, các nguồn tin của WSJ cho biết.

Nga đã thông báo sẽ ngăn các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga. Dù vậy, giới luật sư cho rằng các công ty phương Tây có thể đưa việc này ra tòa án quốc tế. Nhưng kể cả cách này cũng khó giảm thiệt hại. "Anh sẽ phải tham gia vào cuộc chiến kéo dài nhiều năm", Lucia Raimanova – luật sư tại Allen & Overy cho biết.

Hà Thu (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.3506344-agn-o-oig-tom-tod-man-ab-iuc-meik-uad-gnah-cac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các hãng dầu 'kiếm củi ba năm đốt một giờ' ở Nga”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools