Chính đảng lớn nhất tại Nga là Đảng Nước Nga thống nhất đưa ra ý tưởng quốc hữu hóa những doanh nghiệp nghiệp đã thông báo rời khỏi thị trường Nga sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Một vài doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn tẩy chay Nga, số khác đã ngừng tạm thời để đảm bảo an toàn. Danh sách các doanh nghiệp nước ngoài có thể rơi vào tầm ngắm ngày càng dài thêm: Boeing, Microsoft, Apple, Ford, Ikea, Swatch, Hermès và cả Michelin.
Các đại gia dầu khí Shell và BP đã tuyên bố rút khỏi các dự án năng lượng hợp tác cùng Nga, chấp nhận lỗ hàng chục tỷ USD.
Tổng Bí thư Đảng Nước Nga thống nhất Andrey Turchak gọi những hành động trên là “đâm sau lưng”, và đe dọa bằng “những biện pháp trả đũa khắc nghiệt”.
Trong một tuyên bố, ông Turchak nói: “Đảng Nước Nga thống nhất đề xuất quốc hữu hóa những doanh nghiệp đã thông báo sẽ đóng cửa và rời khỏi thị trường Nga sau chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Đây là một biện pháp cực đoan, nhưng chúng ta sẽ không tha thứ cho hành động đâm sau lưng, và chúng ta sẽ bảo vệ người dân”.
Nếu Nga tiến hành quốc hữu hóa, tài sản (nhà xưởng, văn phòng, máy móc, ...) của các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga sẽ thuộc về chính phủ Moscow, các doanh nghiệp coi như mất trắng.
Ông gọi quyết định rời Nga của các doanh nghiệp nước ngoài là “sự phá sản được tính toán trước”, “một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị” và một phần “cuộc chiến trừng phạt với Nga”. Bởi vậy, ông lập luận rằng, nhiệm vụ chính của nhà chức trách Nga là “đảm bảo việc làm” và không làm cho nền kinh tế “bị phá hủy từ bên trong”.
“Đây là cuộc chiến thật sự, không phải chỉ với nước Nga, mà còn với những người dân. Chúng ta sẽ không nhìn [cuộc chiến] với sự hờ hững. Chúng ta sẽ sử dụng những biện pháp trả đũa khắc nghiệt, hành xử theo luật chiến tranh”.
Sự trừng phạt nhằm vào Moscow bởi các quốc gia phương Tây phản ứng lại chiến tranh tại Ukraine bao gồm đóng băng tài sản và cấm các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống SWIFT. Một số hạn chế cũng đã được áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Những biện pháp trừng phạt trên đã buộc Moscow phải tìm cách giảm thiểu thiệt hại.
Vào ngày 7/3, điện Kremlin thông qua một sắc lệnh cho phép công dân, doanh nghiệp và chính phủ, các vùng tự trị thanh toán cho chủ nợ từ những quốc gia “không thân thiện” bằng đồng rúp. Doanh nghiệp Nga muốn làm việc với doanh nghiệp từ những nước “không thân thiện” sẽ cần được cấp phép.
Đầu tháng này, quan chức từ bộ Giao thông vận tải Nga được cho là đã thảo luận về khả năng quốc hữu hóa máy bay của Airbus và Boeing. Biện pháp trên được cho là một cách để chống lại việc EU cấm cho thuê và bán máy bay cho các hãng hàng không Nga.
Trong khi đó, theo Thông tấn xã Nga (TASS) vào ngày 3/3, người phát ngôn của chính phủ Nga Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng điện Kremlin không xem xét việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Peskov nói: "Tôi không biết điều này, và điện Kremlin cũng không xem xét [quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài]".
"Tất cả những vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt và giảm thiểu thiệt hại của các lệnh trừng phạt đều được tính tới và giải pháp được đưa ra bởi Trung tâm Khủng hoảng chính phủ, do [Thủ tướng Nga Mikail] Mishusthin điều hành," ông nói.
Moscow giải thích quyết định thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” bởi sự cần thiết “phi quân sự hóa” Ukraine, bảo vệ vùng Donbass và đảm bảo an ninh quốc gia khi NATO liên tục bành trướng. Ukraine bác bỏ kế hoạch chiếm lại khu vực Donbass bằng vũ lực và tố cáo Nga tiến hành cuộc tấn công “vô cớ”.