Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc tăng tới 585 điểm nhưng kết phiên sụt 185 điểm, tương đương 0,56%, còn gần 32.633 điểm. Biểu đồ trên đây cho thấy 8/3 là phiên giảm thứ 4 liên tục của Dow Jones, đẩy chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này chìm sâu hơn trong vùng điều chỉnh. So với đỉnh ngày 4/1, Dow Jones đã sụt 11,3%.
Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,72% và tiếp tục ở trong vùng điều chỉnh. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,28% và lún sâu hơn trong vùng thị trường gấu. Biểu đồ bên dưới cho thấy Nasdaq đã giảm hơn 20% so với đỉnh lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 đi ngược xu hướng chung và tăng 0,6% trong phiên 8/3.
Theo CNBC nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về tình trạng giá cả hàng hóa tăng vọt và nguy cơ kinh tế giảm tốc do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá xăng dầu, khí tự nhiên và kim loại quý như nickel và palladi liên tục tăng khiến rủi ro kinh tế đình trệ kết hợp với lạm phát phi mã (stagflation) ngày càng hiện hữu.
Ông Chris Senyek, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu Wolfe Research nhận định: "Cuộc xung đột Nga Ukraine, giá hàng hóa nhảy vọt, lo ngại về lạm phát và những bất định liên quan tới chính sách của Fed đang ngày càng làm nhiều nhà đầu tư lo suy thoái và các thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh".
Giá dầu thô WTI bật tăng 7% lên trên 128 USD/thùng trong ngày 8/3 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dừng nhập năng lượng của Nga. "Hôm nay, tôi xin thông báo Mỹ sẽ đánh vào động mạch chủ của nền kinh tế Nga. Chúng ta sẽ cấm nhập khẩu tất cả dầu và khí đốt từ Nga", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng và sau đó viết lên Facebook.
"Lệnh cấm với dầu và khí đốt của Nga nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng trong Quốc hội cũng như trên cả nước. Người dân Mỹ đang đồng lòng ủng hộ nhân dân Ukraine và tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta sẽ không tài trợ cho cuộc chiến của ông Putin", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Chỉ khoảng 5% lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu là đến từ Nga nên lệnh cấm này không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới an ninh năng lượng. Thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia cho biết mỗi ngày Mỹ nhập khoảng 600.000 thùng dầu Nga trước khi có lệnh cấm vận.
Tuyên bố dừng mua năng lượng từ Nga được ông Biden đưa ra mà không có sự hưởng ứng của đồng minh châu Âu do các nước này phụ thuộc nặng nề vào dầu khí của Nga và khó có thể tìm được nguồn thay thế trong ngắn hạn.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/3, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã cảnh báo giá dầu thô sẽ vọt lên 300 USD/thùng nếu Phương Tây cấm vận năng lượng từ Nga, đồng thời đe dọa sẽ đóng van đường ống khí đốt cuối cùng từ Nga tới châu Âu là Nord Stream 1.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng lên 129,3 USD/thùng như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Giá cổ phiếu năng lượng đi lên theo giá dầu với Chevron tăng 5,2%, ExxonMobil thêm 0,8%, Phillips 66 tăng 2,1%.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời cũng diễn biến tích cực do giá dầu tăng thúc đẩy xu hướng chuyển đổi nguồn năng lượng. Enphase Energy và SunPower vọt lên tương ứng 10,8% và 18,7%. Thống kê dưới đây cho thấy năng lượng là nhóm cổ phiếu hỗ trợ đắc lực nhất cho chỉ số S&P 500 phiên 8/3.
Cổ phiếu hàng không và du thuyền cũng diễn biến tích cực. Delta Air Lines tăng 3,7%, American Airlines vọt lên 5,2%, Southwest và United Airlines tăng tương ứng 5,3% và 3,3%, Norwegian Cruise Line thêm gần 3,8%.
Sau hai phiên giao dịch đầu tuần, Dow Jones đã giảm tổng cộng 2,9%. S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 3,7% và 3,9%.