Giá vàng trong nước cao bất thường
Ngày 7/3, giá vàng tăng tới 4 triệu đồng/lượng. Ngày 8/3, giá vàng lên mức 74,5 triệu đồng/lượng vào giữa phiên giao dịch, rồi giảm về mốc 72,3 triệu đồng/lượng ở cuối phiên.
Giá vàng tăng kỷ lục đã khiến thị trường vàng rất sôi động. Tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) xuất hiện nhiều người xếp hàng bán vàng chốt lời. Chị Nguyễn Ánh Thu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thấy giá vàng tăng, chị mang bán 2 lượng vàng mua trước đó. So với cuối năm 2021, sau khi trừ chênh lệch mua vào bán ra, chị Thu lãi khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tiếp tăng khiến nhu cầu mua bán vàng của người dân tăng theo. Ảnh: Như Ý |
Không chỉ bán chốt lời, với kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, nhiều người cũng tìm đến mua vàng tại thời điểm này. Ghi nhận tại các công ty vàng cho thấy, số lượng giao dịch mua vào - bán ra tăng mạnh. Tại hệ thống cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu, số lượng giao dịch vàng tăng gần 50%.
Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cho biết, số lượng giao dịch mua vào - bán ra cũng tăng đột biến. “Số lượng giao dịch tăng rất cao. Nhiều người bán cho rằng, giá vàng hiện tại là ngưỡng tốt để chốt lời. Trong khi đó, khách mua cho rằng, căng thẳng giữa Ukraine và Nga có thể khiến giá vàng có thể tiếp tục lên cao”, đại diện Tập đoàn Doji cho biết.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 70 - 72,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng thế giới ở mức 2.015 USD/ounce, tương đương 55,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng trong nước gần 18 triệu đồng/lượng.
Tuy giá biến động mạnh, tăng giảm vài triệu đồng trong ngày nhưng giao dịch hiện nay không chạy theo một chiều như ở những thời điểm sốt nóng trước đây. Khi được hỏi về lý do vàng tăng giá có phải do khan hiếm nguồn cung, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất, chế tác vàng nên đảm bảo nguồn cung vàng, đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này từ chối trả lời lý do khiến vàng tăng giá nhanh thời gian qua.
Cơ quan chức năng nên vào cuộc
Lâu nay, mỗi khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước gần như ngay lập tức tăng cao hơn; chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng giãn rộng. Ngày 8/3, giá vàng thế giới chạm ngưỡng 2.025 USD/ounce rồi giảm về mốc 2.012 USD/ounce. Theo tỷ giá quy đổi hiện hành, giá vàng thế giới tương đương 55,8 triệu đồng/lượng. Thời điểm cao nhất, giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng miếng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Sau khi quay đầu lao dốc vào cuối phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Cùng mốc giá 2.000 USD/ounce của vàng thế giới nhưng giữa năm 2021, giá vàng miếng trong nước ở mức khoảng 62 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện nay tăng lên tới gần 74 triệu đồng/lượng. Trước thực trạng này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lợi dụng nhu cầu vàng trong nước tăng và biến động thị trường vàng thế giới, dường như nhà kinh doanh vàng trong nước dường như đang bắt tay nhau tăng giá.
Ông Thịnh cảnh báo, dù không tác động mạnh, trực tiếp tới nền kinh tế nhưng giá vàng vẫn góp phần làm tăng chỉ số lạm phát cơ bản. Ngoài ra, nếu để vàng tăng giá kéo dài tuỳ theo sự điều khiển của doanh nghiệp kinh doanh, vượt xa giá vàng thế giới sẽ khiến vàng trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng. Thay vì rót vốn vào ngành kinh tế khác, nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn.
“Trước thực trạng giá vàng liên tiếp tăng mạnh như vừa qua, cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để thị trường vàng vận hành đúng quy luật, tránh việc tăng giá bất thường như vừa qua”, ông Thịnh kiến nghị.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, việc giá vàng tăng vọt những ngày qua khiến một bộ phận nhà đầu tư kỳ vọng giá tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, giá vàng không thể tiếp tục tăng mãi. Nhà đầu tư tìm đến vàng ở thời điểm giá quá cao sẽ gặp nguy cơ thua lỗ.
“Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước”, ông Doanh nói.
Theo Ngọc Linh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.92562128090302202-gnav-aig-gnan-yat-tab-peihgn-hnaod/nv.zibefac