Theo chia sẻ của bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra, tình hình xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang thị trường Nga đang tạm thời bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu năm nay có 5 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Nga. Tháng 1 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 2,18 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2021.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quyết định tạm ngưng ký các đơn hàng đến Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác và không muốn bị gián đoạn.
Ảnh: VASEP. |
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm ngừng là sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga, đồng ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 ruble đổi 1 USD trong ngày 1/3. Đồng ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không dễ dàng.
Mặt khác, cũng theo bà Hà, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên mức 32.000 đồng/kg do tình trạng khan hiếm. Doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu, do giá tăng mạnh. Nhiều thị trường lớn khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra lớn nhưng các nhà máy không đủ nguyên liệu cho chế biến, chưa nói tới việc đủ cá thành phẩm xuất khẩu đi Nga trong bối cảnh căng thẳng chiến sự như hiện nay.
Năm 2021, Việt Nam là một trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga, sau Argentina và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 32,5 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng là thị trường độc tôn cung cấp cá tra đông lạnh cho Nga. Từ trước tới nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn coi Nga là thị trường nhiều tiềm năng và nhu cầu lớn.
Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Thịnh chưa kịp vui với việc đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II thì đơn hàng xuất khẩu đi Nga của công ty bị dừng lại, vì lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên thị trường này.
Mấy ngày nay, bà Hồng phải liên tục liên lạc với đối tác tại Nga để cập nhật tình hình cũng như giải quyết tình trạng ùn ứ và chứng từ thanh toán.
Dù hai bên là tối tác làm ăn lâu năm và mỗi năm doanh nghiệp đều xuất khẩu một lượng lớn hàng nông sản sang thị trường này, chưa kể từ đầu năm đến nay đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, song trước những bất ổn từ thị trường như việc thanh toán, vận chuyển bị tắc nghẽn, hàng hóa bị ùn ứ, việc thanh toán bị “treo”, việc tạm ngừng đơn hàng mới là quyết định cuối cùng dù hai bên không mong muốn.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam buộc phải quyết định tạm ngừng ký kết hay giao hàng, đơn cử như doanh nghiệp xuất khẩu cá tra là bởi các hãng tàu biển đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga. Rủi ro ở thời điểm hiện tại được cho là rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.
Trước đó, những ngày đầu tháng 3 một số hãng tàu lớn đã thông báo tạm ngừng dịch vụ vận chuyển đến và đi từ các cảng ở Nga, do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây dành cho nước này.
Trong đó, hãng tàu Maersk đã quyết định tạm dừng các tuyến vận chuyển container đường biển, đường hàng không và đường sắt liên lục địa đến và đi từ Nga. Theo thông báo được hãng này đưa ra việc đặt chỗ mới trên các tuyến đường biển, hàng không và đường sắt đến và đi từ Nga sẽ bị tạm hoãn, ngoại trừ hàng thực phẩm, vật tư y tế hay hàng nhân đạo. Thông báo có hiệu lực từ 1/3 và áp dụng cho tất cả các cảng cửa ngõ của Nga.
|
Hãng tàu của Pháp CMA CGM đã thông báo tạm dừng các tuyến vận tải đến các cảng của Nga. |
Việc tạm hoãn vận chuyển được Maersk đưa ra là nhằm tôi giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng và không làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn toàn cầu tại các cảng và kho bãi.
Ngoài ra, hãng tàu lớn nhất thế giới MSC hay hãng tàu của Pháp CMA CGM và ONE cũng có động thái tương tự.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ Nga 2,3 tỷ USD, tăng 15%. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, chiếm 33%, máy vi tính và sản phẩm điện tử chiếm 13%, dệt may (gần 11%), cà phê (5,4%) và thủy sản (5,1%). |
Theo Ngọc Hà
NĐH
Xem thêm: nhc.42101256190302202-gnugn-mat-naod-naig-ib-teiv-peihgn-hnaod-auc-agn-id-gnah-nod/nv.zibefac