Khan hiếm phân bón vô cơ
Áp lực tăng giá phân bón đã diễn ra từ 2 năm nay do tác động của dịch bệnh, nay lại thêm trầm trọng do tình hình chiến sự Nga - Ukraine. Những yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới lập đỉnh mới do nguồn cung khan hiếm. Các doanh nghiệp lo ngại sẽ xảy ra sự thiếu hụt một số loại phân bón nhập khẩu trong quý II.
Mỗi năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Hiện các nhà máy trong nước đã sản xuất và đáp ứng được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Ure, phân NPK, riêng sản xuất DAP mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Để có thể cân đối cung cầu, hàng năm Việt Nam nhập khẩu thêm từ 2,7-3,5 triệu tấn phân bón vô cơ, trong đó nhiều nhất là kali. Hiện Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp cho toàn thế giới.
Hiện các nhà máy trong nước đã sản xuất và đáp ứng được hầu hết các loại phân bón chủ lực. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hàng năm Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3 - 9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, chủ yếu là phân kali, phân NPK và DAP. Điều đáng nói, hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 3 tàu đã nhận hàng thành công, còn khoảng 30.000 - 40.000 tấn đã bị hủy giao dịch.
Các nhà cung cấp ở Trung Đông quyết định tạm dừng xuất khẩu để theo dõi diễn biến thị trường. Trung Quốc cũng sẽ đứng ngoài cuộc ít nhất đến tháng 6. Còn nguồn hàng từ Nga, Ukraine không thể ra thế giới do cấm vận và tình hình chiến sự tiếp tục leo thang.
Như vậy, đối với mặt hàng kali vì 100% dựa vào nhập khẩu nên dự báo sẽ còn khó khăn trong thời gian ngắn tới đây.
Giải pháp tiết kiệm đầu vào trong nông nghiệp
Không chỉ phân bón, mà giá nhiều loại vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Điều này đặt ra áp lực cho người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác để giảm chi phí đầu vào, qua đó đảm bảo thu nhập ở mức hợp lý.
Vậy cần làm gì để có thể giảm được chi phí đầu vào là câu hỏi được nhiều bà con quan tâm vào lúc này? Câu chuyện về xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ thành phân bón cho cây trồng huyện Đông Anh, Hà Nội là mô hình đáng tham khảo.
Không đạm, không lân, thuốc bảo vệ thực vật, 2 sào rau của bà Mận (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) từ hơn một năm nay vẫn phát triển xanh tốt như bình thường. Thay vào đó bà dùng loại nước tưới được lấy ra từ thùng ủ rác với tỉ lệ 1 nhân 50, ngày nào bà Mận cũng đủ nước để tưới dưỡng.
Mô hình xử lý rác thải tại chỗ như của nhà bà Mận hiện đang được triển khai tại 200 hộ trong thôn. 70% các loại rác thải hữu cơ không phải xả ra môi trường, giảm tải rất nhiều việc cho vệ sinh môi trường. Nhiều hộ gia đình còn chủ động làm cả hố chôn trong vườn.
Toàn thôn Nghĩa Vũ có 257 hộ thì hiện nay 140 hộ tham gia phân loại rác và sử dụng trong trồng trọt. Trong số này, hầu hết bà con đều tham gia từ những ngày đầu nên đầu ra cho rau vụ Đông những tháng vừa rồi đã cho kết quả thành công rõ rệt. Rau vừa xanh, sạch, tốt hơn mà không phải tốn tiền dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thay đổi canh tác để giảm chi phí đầu vào
Trước thực trạng giá phân bón thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sản xuất tối đa, công suất lớn nhất.
Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp cam kết lùi lại các hợp đồng xuất khẩu phân bón chưa thực sự cần thiết để cung ứng, ưu tiên cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt đối với mặt hàng phân bón vô cơ, còn về lâu dài, để giảm chi phí đầu vào, người nông dân phải thay đổi phương thức canh tác để sản xuất có lợi nhuận.
Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nếu như trước đây vùng trồng su su ăn lá của bà con thôn Hà, xã Hồ Sơn được bón bằng phân bón vô cơ thì giờ đây bà con trong vùng chuyển sang dùng phân bón hữu cơ.
"Trước đây tôi bón phân hoá học hết 500 nghìn đồng/ 1 sào nhưng từ ngày tôi dùng phân hữu cơ giá thành phân bón ít hơn nhưng su su này tăng sản lượng, tôi cảm thấy tốt và xanh bền hơn", bà Hằng - xã Hồ Sơn, Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho hay.
Bà Chín - xã Hồ Sơn, Tam Đảo, Vĩnh Phúc nói: "Bảo đến phân hữu cơ là người ta mua luôn, còn phân thông thường kia họ cũng mua những không bằng".
Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Hướng đi này không chỉ giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận, hiệu quả cho người sản xuất, mà quan trọng hơn là đảm bảo môi trường, đảm bảo tính bền vững để tái sử dụng nguồn đất, nguồn nước tạo thành mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: "Năm 2021 đã sử dụng gần 2,87 triệu tấn phân bón hữu cơ, tăng 300 nghìn tấn so với năm 2020 là 2,63 triệu tấn. Hiện nay, các hình thức sử dụng phân bón hữu cơ ở các nông hộ cũng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Theo số liệu thống kê, năm 2021 là 17 triệu tấn phân bón hữu cơ sử dụng trong nông hộ".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm sẵn có để ủ, tạo ra phân bón hữu cơ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của chính hộ gia đình mình giảm chi phí đầu vào và sự lệ thuộc vào phân bón hoá học .
Thay đổi phương thức canh tác từ vô cơ sang hữu cơ không chỉ giảm được sự phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp nhập khẩu, giảm chi phí đầu vào, mà còn giảm được 70% rác thải hữu cơ đổ ra môi trường cần xử lý. Đây không chỉ là mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng ở nhiều làng quê, mà còn là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đề ra là giảm chi phí, tăng chất lượng, nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11811349190302202-gnu-hciht-ed-ig-mal-nad-gnon-ohk-pag-nob-nahp-gnuc-nougn/et-hnik/nv.vtv