Trình diễn áo dài trong lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa góp phần kích cầu du lịch, giúp TP hồi sinh sau thời gian dài trải qua những khó khăn do đại dịch.
Diễn ra từ ngày 5-3 đến 15-4-2022, Lễ hội áo dài năm nay có chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", do Sở Du lịch TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp cùng các sở, ban, ngành tổ chức với nhiều chương trình hấp dẫn, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Trở lại mới mẻ hơn
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết Lễ hội áo dài năm nay được lãnh đạo TP.HCM cho chủ trương chuẩn bị ngay từ những tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát,
TP.HCM đạt tiêu chí vùng xanh và các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.
"Lễ hội được chuẩn bị và tổ chức là một minh chứng cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của TP.HCM.
Lễ hội cũng khẳng định quyết tâm trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch TP.HCM, bồi đắp thêm niềm tin của ngành trong hành trình xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á" - bà Ánh Hoa nói với Tuổi Trẻ.
Không chỉ là sự kiện thường niên, Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2022 còn đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch TP và là bước khởi đầu đưa Lễ hội áo dài trở thành sự kiện mang tầm quốc tế và là sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM.
Điều này thể hiện ở việc lễ hội có các đại sứ đang công tác trong ngành ngoại giao Việt Nam, các đại sứ là các nhân vật đang công tác, sinh sống ở nước ngoài và cả người nước ngoài là các thí sinh tham gia cuộc thi Miss Charm. Đây là điểm mới của Lễ hội áo dài năm nay.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: "Các hoạt động của ngành du lịch được tổ chức trên quan điểm nhất quán từ đầu là "an toàn đến đâu thì mở cửa du lịch đến đó" và "du lịch phải an toàn".
Do vậy, toàn bộ các hoạt động sẽ được tính toán tổ chức theo mức độ an toàn với dịch bệnh và quy định phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể".
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết Lễ hội áo dài là một trong những ý tưởng đẹp, sáng tạo của ngành du lịch, ngành văn hóa cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam TP.HCM.
Không chỉ thu hút khách du lịch, lễ hội còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa niềm tự hào của tà áo dài truyền thống của Việt Nam, đưa áo dài đi vào cuộc sống đời thường.
Nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị
Bên cạnh chiêm ngưỡng hàng chục bộ sưu tập mới đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng như Sĩ Hoàng, Việt Chung, Việt Hùng, Anna Hạnh Lê, Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Trung Đinh, Thuận Việt, Ngô Nhật Huy, Minh Châu, Tuấn Hải, Brian Võ, Đức Minh, Tạ Linh Nhân..., du khách có thể chọn vải, đo, may một bộ áo dài ưng ý với giá ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Thắm - giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - cho biết năm nay thử nghiệm chọn 2 nhà cắt, đo, may áo dài cho khách, đặc biệt giảm giá công may, giảm giá vải.
"Nếu tiền công may áo dài thường từ 450.000 đến 500.000 đồng một bộ, du khách đặt may tại sự kiện này chỉ 315.000 đồng/bộ. Nhóm 10 người may thì giảm tiền công còn 300.000 đồng. Vải may áo dài cũng được chúng tôi vận động các tiểu thương bán giảm giá 10 - 15% cho khách" - bà Thắm cho biết thêm.
Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn tổ chức triển lãm áo dài Nhân vật sự kiện, giới thiệu 20 bộ của các phụ nữ tham gia kháng chiến, triển lãm ảnh áo dài xưa và nay...
Bảo tàng Áo dài cũng mở cửa trở lại phục vụ du khách với triển lãm Nối vòng tay lớn, trưng bày những chiếc áo dài của các y bác sĩ, tình nguyện viên nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong đợt dịch vừa qua như áo dài của hoa hậu H'Hen Niê, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, nghệ nhân ví dặm Hồng Oanh, thầy thuốc Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Nguyễn Thị Phương Tần...
Vào ngày 12 và 13-3 sẽ diễn ra cuộc thi vẽ trên áo dài với chủ đề "Áo dài và hoa" dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP.HCM tại Thư viện Khoa học tổng hợp để nuôi dưỡng tình yêu áo dài, cũng như khơi gợi những ý tưởng thiết kế độc đáo của thiếu nhi.
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội áo dài còn có cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài "Áo dài ra thế giới", tạo sân chơi cho các nhà thiết kế trẻ, sinh viên khoa thiết kế... thỏa sức sáng tạo các mẫu áo dài mới.
Một số hoạt động nổi bật
Cuộc thi "Duyên dáng áo dài TP.HCM" diễn ra từ ngày 2-3 đến 15-4 nhằm tạo sân chơi cho các cá nhân và tập thể yêu mến tà áo dài.
Cuộc thi cá nhân (3 bảng) đến thời điểm hiện tại có 100 cá nhân và 35 tập thể đăng ký. Cuộc thi ảnh đẹp áo dài online và cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài với chủ đề "Áo dài ra thế giới" nhận tác phẩm dự thi đến ngày 31-3.
Các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân TP sẽ diễn ra từ 14-3 đến 17-4.
Tự hào là đại sứ hình ảnh, nhà thiết kế đồng hành với Lễ hội áo dài
Bộ sưu tập Mai Lan Cúc Trúc của nhà thiết kế Võ Việt Chung - Ảnh: BTC
Lễ hội áo dài 2022 có sự đồng hành của nhiều văn nghệ sĩ với vai trò đại sứ hình ảnh. Hoa hậu H'Hen Niê cho biết cô cảm thấy hạnh phúc và vinh dự với vai trò đại sứ hình ảnh: "Thường những sự kiện thiên về văn hóa, các hoạt động xã hội, những dịp trang trọng hay đi nước ngoài tôi hay chọn áo dài. Đây cũng là dịp để chúng ta góp phần kích cầu du lịch".
Nhiều nhà thiết kế cũng bày tỏ vui mừng khi tham gia hoạt động lớn quảng bá áo dài. Nhà thiết kế Võ Việt Chung đã dành hơn 6 tháng chuẩn bị cho bộ sưu tập Mai Lan Cúc Trúc giới thiệu trong đêm khai mạc. Anh còn đặt dệt riêng những hoa văn Việt Nam không đụng hàng trên vải lụa từ Nhật Bản.
Còn nhà thiết kế Việt Hùng gây ấn tượng với bộ sưu tập Thành phố thông minh. Nhà thiết kế cho biết TP.HCM xứng đáng là TP đi đầu về công nghệ trong cả nước.
"Hùng đem điều đó lên tà áo dài với mong ước được tiếp cận nhiều hơn đến thế hệ trẻ, thế hệ là chủ nhân trong tương lai của đất nước" - Việt Hùng gửi gắm.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã góp sức với Lễ hội áo dài TP.HCM mùa đầu tiên đến nay. Anh cho biết giá trị lớn nhất của 8 lần lễ hội là góp phần giúp phụ nữ TP xem áo dài là thường phục mặc trong nhiều dịp khác nhau. Nam giới mặc áo dài cũng không còn ngại ngần như trước.
TTO - Tối 5-3, Lễ hội áo dài TP.HCM lần 8 năm 2022 với chủ đề 'Tôi yêu áo dài Việt Nam' khai mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).
Xem thêm: mth.5820301001302202-hcil-ud-hnis-ioh-cus-pog-2202-mchpt-iad-oa-ioh-el/nv.ertiout