Ngày mai, 11-3, liên Bộ Công Thương - Tài chính dự kiến điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu theo chu kỳ. Tính từ ngày 1-3 đến sát kỳ điều hành này, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới đã tăng gần 20%. Với giá bán lẻ hiện tại, doanh nghiệp (DN) xăng dầu đang lỗ 3.800 đồng/lít xăng và 4.800 đồng/lít dầu diesel. Do vậy, giá xăng, dầu có thể tăng thêm 3.800 - 4.800 đồng/lít, đẩy giá xăng trong nước vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Sức mua thấp, giá tăng cao
Ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó. Tới đầu tháng 3-2022, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg là cú "đánh bồi" khiến nhiều hàng quán đang cố giữ giá cũng buộc phải tăng giá.
Chị Trần Ngọc Như (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết suất ăn bình dân (cơm, bún...) tại các hàng quán khu vực đường Vạn Kiếp, Vũ Huy Tấn... đã tăng thêm 5.000 đồng/suất so với hồi cuối tháng 2. Trong khi đó, tại một số cửa hàng thực phẩm, mặc dù các sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% song giá bán thực tế đến tay người tiêu dùng hầu như không đổi bởi giá hàng hóa đã tăng.
Các gia đình có con nhỏ còn đối mặt với nỗi lo sữa bột và sản phẩm dành riêng cho trẻ tăng giá. Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A vừa gửi thông báo tăng giá trong phạm vi 5% từ ngày 1-3 với 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM) cho biết đang tạm ngưng bán sản phẩm thương hiệu này để chờ các cửa hàng khác "xả" hết hàng giá cũ. "Hầu hết các nhãn sữa bột đều lần lượt cắt chiết khấu, khuyến mãi và tăng giá bán nên tiêu thụ khá chậm. Một số phụ huynh có con đủ 12 tháng tuổi đã chuyển sang dùng sữa tươi để tiết kiệm" - chủ cửa hàng sữa cho hay.
Giá dầu thô thế giới leo thang khiến đầu vào của nhiều ngành sản xuất tăng, tạo áp lực tăng giá hàng hóa rất lớn. Ảnh: TẤN THẠNH
Trước đó, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam thông báo tăng giá trong phạm vi 5% từ ngày 15-2 với 21 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thuộc nhãn hàng Frisolac và Friso.
Mới đây, tại buổi làm việc với DN bán hàng bình ổn thị trường, đại diện Sở Tài chính TP HCM đề nghị DN sản xuất, kinh doanh thịt heo, trứng gà tạm hoãn tăng giá bán bình ổn dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đủ để điều chỉnh. Lý do Sở Tài chính đưa ra là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang thấp và giá cả có xu hướng tăng.
Các DN lớn như Vissan, Saigon Co.op, Satra thừa nhận việc tăng giá lúc này sẽ đẩy sức mua xuống thấp hơn nữa. "Chúng tôi nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để không tăng giá đồng loạt, biên độ tăng không quá lớn. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cắt giảm nhiều chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận" - ông Nguyễn Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), bày tỏ.
Loay hoay ứng phó
Giám đốc kinh doanh một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho biết từ sau Tết Nguyên đán, ban tổng giám đốc liên tục họp với cán bộ chủ chốt các phòng, ban nhằm tìm giải pháp cải thiện doanh số, kéo giãn đà tăng giá. "Một số giải pháp đã được triển khai nhưng vấn đề là người tiêu dùng bị giảm thu nhập trong khi giá xăng, dầu, hàng hóa... đều tăng cộng với lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 nên họ chủ động giảm chi tiêu. Thống kê của toàn hệ thống cho thấy lượt khách đến mua sắm trong hơn 2 tháng đầu năm giảm 20% - 25% so với cùng kỳ" - vị giám đốc kinh doanh thông tin.
Trong khi đó, các DN còn phải đối mặt giá nguyên vật liệu, vận tải tăng phi mã trong nhiều tháng qua khiến lợi nhuận bị ăn mòn. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, cho hay đơn hàng xuất khẩu hiện tăng 10%-30% nhưng nhiều DN có khả năng không đạt lợi nhuận bởi chi phí cao trong khi giá bán không thể tăng. "Giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm chi phí là tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu giá rẻ nhưng đến nay, chưa DN nào tìm được" - ông Quốc Anh lo ngại.
Ở tầm vĩ mô, giảm thuế xăng, dầu được cho là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ - ngành để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT ở mức 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít, kg dầu. Mức giảm này dự kiến có hiệu lực đến ngày 31-12.
Theo Bộ Tài chính, các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Ireland, Ba Lan... đều đã giảm các loại thuế để kìm đà tăng giá xăng, dầu. Chẳng hạn, từ cuối năm 2021, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong vòng 6 tháng (đến hết tháng 4-2022). Nước này sẽ xem xét kéo dài việc giảm thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu nếu giá nhiên liệu vẫn tiếp tục cao trong tháng 3; đồng thời, xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thô nếu giá tăng do xung đột Nga - Ukraine. Tương tự, Thái Lan quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel; Ireland và Ba Lan giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu trong năm 2022.
Dưới góc độ DN vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho rằng việc giảm thuế BVMT là động thái tích cực để chia sẻ khó khăn với người dân, DN trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, mức giảm như đề xuất của Bộ Tài chính chưa như kỳ vọng của DN. Ông kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế 50% thuế suất thuế BVMT để hỗ trợ DN mạnh hơn nữa.
Bộ Công Thương đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng dầu. Trong dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol) từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng và giảm 500 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu. Cụ thể, dầu hỏa còn 500 đồng/lít; diesel, ma dút, dầu nhờn, mỡ nhờn còn 1.500 đồng/lít/kg.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này kiến nghị giảm thuế BVMT ở mức cao hơn tại dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính xây dựng. Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế BVMT hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu ma dút là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
M.Chiến
Cố giữ giá vận tải hành khách
Lãnh đạo hãng taxi Vinasun cho biết theo quy định, nếu giá xăng, dầu tăng trên 10% thì giá cước vận tải taxi được tăng 3%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã tăng 10% nhưng hãng chưa thể điều chỉnh giá cước mà thay vào đó là triển khai các giải pháp giảm chi phí nhân sự, số lượng xe... để tiết kiệm chi phí.
Nhiều hãng taxi phản ánh lượng khách sau Tết âm lịch giảm mạnh 30%-40% nên không thể tăng giá cước. Tương tự, vận tải hành khách liên tỉnh cũng gặp khó bởi dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương cùng tác động tiêu cực từ giá xăng, dầu tăng mạnh. "Các nhà xe phải cầm cự qua ngày, ăn vào vốn, thậm chí bán tài sản để bù lỗ. Xe không hoạt động được nhưng các loại phí đều phải đóng đầy đủ" - Hoàng Văn Thủy, Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, phản ánh và đề nghị miễn, giảm phí cầu đường trong thời điểm giá xăng, dầu tăng cao.
Mới đây, trước tác động của giá xăng, dầu, các DN vận tải cũng kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM điều chỉnh giá cước tăng 5%-20% tùy tuyến, loại xe.
Giá dầu có thể cán mốc 160-200 USD/thùng
Giá dầu tăng chóng mặt vào ngày 8-3 ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của quốc gia này ở Ukraine. Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày thông báo kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm 2022. Những động thái nêu trên khiến giá dầu WTI có thời điểm tăng 7% lên mức 128 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 7,7% lên mốc 132,75 USD/thùng.
Theo đài Al Jazeera, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu hàng đầu thế giới với năng lực sản xuất khoảng 7 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nguồn cung cho thế giới. Trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình 209.000 thùng dầu thô/ngày và 500.000 thùng các sản phẩm dầu khác từ Nga. Con số này chiếm khoảng 3% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ và 1% tổng lượng dầu thô được xử lý bởi các nhà máy lọc dầu Mỹ. Chuyên gia năng lượng Cornelia Meyer của Công ty Mrl Corporation (Mỹ) khẳng định với tỉ giá hối đoái hiện tại, kinh tế Mỹ có thể chống chịu được tác động từ lệnh cấm nêu trên, đặc biệt là khi Washington không phụ thuộc vào nguồn dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Theo Reuters, nhiều khách hàng lớn của Nga, bao gồm Tập đoàn Shell (Anh), đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu của quốc gia này. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo giá dầu có thể cán mốc 160 USD/thùng nếu dầu thô của Nga tiếp tục bị "xa lánh", đặc biệt là khi triển vọng trở lại thị trường quốc tế nhanh chóng của dầu thô Iran đang nhạt dần do đàm phán giữa Tehran và các cường quốc rơi vào trạng thái trì trệ.
Trong trường hợp châu Âu chung tay Mỹ cấm vận dầu Nga, theo các nhà phân tích của Công ty Rystad Energy (Na Uy), giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng 200 USD/thùng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước xung đột vũ trang Nga-Ukraine.
C.Lực
Xem thêm: mth.96911622290302202-uad-aig-oeht-am-ihp-gnat-aoh-gnah-aig/et-hnik/nv.moc.dln